3 lợi ích to lớn của cộng đồng viết lách đối với người viết mới
Cộng đồng viết lách là môi trường tốt nhất để hình thành thói quen và kỷ luật viết.
Khi nghĩ đến chuyện viết lách, chúng ta thường tưởng tượng đến hình ảnh một người đơn độc ngồi trong phòng làm việc, gõ phím liên tục hàng giờ liền. Có lẽ thật vậy, người viết cần một mình để dốc hết tâm hồn và trọn vẹn với từng con chữ. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ phải tách biệt với những người viết khác hay với thế giới xung quanh. Ngược lại, việc ở trong một cộng đồng sẽ là sự cân bằng đối trọng với thời gian một mình và mang lại nhiều lợi ích cho người viết.
Theo Nhà lý luận và thực hành giáo dục Wenger Trayner: Cộng đồng thực hành là một nhóm người có cùng mối quan tâm, cùng đam mê với một điều gì đó và họ cùng nhau học hỏi để trở nên tốt hơn thông qua việc tương tác thường xuyên cùng nhau.
Ngay cả những nhà văn nổi tiếng cũng hoạt động trong một cộng đồng của riêng họ. Chẳng hạn: nhóm văn sĩ Inkling là một nhóm nhiều giáo sư, tác giả với hai thành viên nổi trội là JRR TolKien và C.S Lewis - họ thường có những buổi gặp gỡ định kỳ trong quán xá để chia sẻ, trao đổi, bàn luận về những dự án của các thành viên (ví dụ này đã được nhắc đến trong chủ đề 174 của On Writing Daily).
Những nhà văn thành công, những người viết chuyên nghiệp và ngay cả những người mới theo đuổi nghiệp viết đều nên bước ra khỏi bong bóng viết lách để kết nối với những người cùng đam mê.
Dưới đây là 3 lợi ích cho các cây viết khi tham gia vào cộng đồng viết lách tử tế và phù hợp:
1/ Sự ủng hộ
Không phải lúc nào những người viết cũng được gia đình, người thân, bạn bè ủng hộ. Họ dễ rơi vào cảm giác cô đơn, trơ trọi trong hành trình này. Vì vậy, thật dễ chịu, thật sảng khoái khi được ở trong một cộng đồng, nơi có những người giống như mình - cùng đam mê và theo đuổi việc viết, một nơi mà người viết và những tác phẩm viết đều được tôn trọng. Đó là nơi mọi người đều giống như mình, hiểu được nỗi thất vọng khi viết và bị từ chối cũng như cảm giác hưng phấn khi được đón nhận. Đó là nơi mà cho dù đôi khi người viết tự cảm thấy mình thật nhỏ bé tầm thường và tác phẩm của mình dở tệ thì vẫn có những người ủng hộ một cách tích cực để họ có thể thoải mái bộc lộ bản thân mà không sợ phán xét.
Ảnh là trích bình luận bên dưới các bài viết của các bạn trong OWD
2/ Những phản hồi và ý kiến đóng góp
Cho dù đã là một nhà văn nổi tiếng hay người viết lâu năm đi chăng nữa, thật khó để nhận xét bài viết của mình bằng một con mắt khách quan. Vì vậy, chúng ta cần những phản hồi từ những người viết khác. Khi chúng ta nhận được phản hồi mang tính xây dựng thì chúng ta sẽ có cơ hội trở cải thiện và phát triển kỹ năng viết lách của mình. Một cộng đồng viết lách tử tế sẽ luôn mang đến những lời nhận xét chân thành, những lời khuyên hữu ích xuất phát từ sự quan tâm thật sự đến bài viết, người viết. Chúng ta sẽ được học hỏi từ những người viết có kinh nghiệm hơn, có kỹ thuật tốt hơn cũng như trở thành một thành viên tích cực góp ý cho những cây viết khác.
Ảnh là trích bình luận bên dưới các bài viết của các bạn trong OWD
3/ Trách nhiệm và tính kỷ luật
Chúng ta dễ dàng bị cuốn theo cuộc sống bận rộn với công việc hành chính hay những việc không tên như chăm con, nấu nướng, giặt giũ, … Và cứ thế, mỗi người nghiễm nhiên cho mình một cái cớ (cũng khá chính đáng đấy chứ!) để trì hoãn việc viết lách.
Nhưng khi ở trong một cộng đồng, bạn sẽ nhận ra những cây viết khác cũng có những lý do hợp lý giống như bạn: họ là một người trẻ mới ra trường, đang ở trọ và đi tìm việc; Họ là một người cha đang nỗ lực vì con; Họ là một người mẹ với nhiều trách nhiệm gánh vác… Nhưng họ vẫn viết đấy thôi!
Sẽ luôn có một con đường nếu bạn thực sự muốn, và không khí viết lách trong cộng đồng sẽ là cú hích giúp bạn tìm ra con đường ấy.
Bạn biết mình có những nhiệm vụ cần hoàn thành đúng hạn, có những người đang chờ đọc bài viết của bạn và đôi khi việc nhìn mọi người chăm chỉ viết mỗi ngày cũng khiến bạn có thêm động lực để ưu tiên và nghiêm túc viết.
Trong các chương trình đào tạo cộng đồng của CGL, chị Linh Phan (Founder của OWD) đã chia sẻ: "OWD được ra đời để giải quyết một vấn đề duy nhất, đó là phá vỡ các rào cản tâm lý của người viết, giúp họ hình thành được thói quen viết lách và tự tin trở thành người viết". Thật sự OWD đã làm được điều đó. Trong hơn 2 năm hoạt động với gần 40.000 thành viên, OWD đã chứng kiến hành trình "phá kén hóa bướm" của biết bao cây viết. Rất nhiều cây bút đã tự tin viết, công khai bài viết, mạnh mẽ theo đuổi con đường viết lách tự do và bền bỉ khi luyện viết theo 200 chủ đề.
Năm 2024, cùng với sự cập nhật về đội ngũ quản trị OWD, một cộng đồng “anh em” của OWD là On Writing Weekly (OWW) cũng vừa được chào đời nhằm giúp các bạn đã hoàn thành từ 100 đề luyện viết trong 200 đề cơ bản ở OWD, đi sâu hơn nữa vào các thể loại viết chuyên môn.
Rõ ràng, OWD không chỉ là một nhóm tập hợp những người viết mà còn là nơi người viết thật sự thuộc về, thân thương gọi nhau hai tiếng đồng bút. Chúng mình đến với viết qua nhiều lý do khác nhau, những xuất phát điểm khác nhau nhưng cùng chung một đam mê, cùng khao khát trở thành người viết và cùng nhau chập chững từ những bước đầu tiên.
Chúng mình nhắc nhở nhau viết, ủng hộ tinh thần nhau những lúc cảm hứng lên xuống và góp ý để cùng nhau tiến bộ. Đó là lý do một số thành viên không gọi OWD là cộng đồng mà gọi là “ngôi nhà chung”.
Càng viết và càng sinh hoạt lâu trong các cộng đồng viết lách nói riêng, cộng đồng khác nói chung, mình tin là ngoài 3 lợi ích to lớn trên mà cộng đồng mang lại cho những người viết mới, còn vô số những lợi ích tiềm năng khác như cơ hội nghề nghiệp và cả thu nhập từ viết lách dành cho những ai kiên trì theo đuổi nghiệp viết.
Mong bạn vững tâm, bền bỉ luyện viết, sáng tạo nội dung trong các cộng đồng.
*Bài chia sẻ từ bạn Hoàng My, moderator của cộng đồng CGL và OWD.
Động lực cho em quay trở lại luyện viết tiếp 200 chủ đề là đây ạ, em trì hoãn hơi lâu rùi.