Xác định "đầu ra" khi xây dựng cộng đồng
6 tiêu chí giúp bạn xác định mục tiêu và mục đích khi phát triển cộng đồng
Tất cả cộng đồng trên đời này nếu có dính tới kinh doanh thì nó sẽ có thể bao gồm một hoặc tất cả những mục tiêu, mục đích sau đây:
Hỗ trợ khách hàng/thành viên
Phát triển sản phẩm
Kích thích tăng trưởng
Tăng cường hợp tác
Kết nối và củng cố niềm tin
Sự phát triển của thành viên
Hỗ trợ khách hàng/thành viên
Mục tiêu là cải thiện sự hài lòng, thêm nữa bạn có thể trao quyền cho những thành viên khác cũng tham gia giải đáp thắc mắc hoặc giải quyết vấn đề cho nhau.
Ví dụ bạn có cộng đồng 20,000 con người đang học viết, muốn viết tốt hơn, thì không phải chỉ bạn mà những thành viên khác cũng sẽ giúp những người còn lại bằng cách chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ. Và trong mô hình của On Writing Daily thì mình đã biến yếu tố support này thành chương trình mentorship!
Bạn hãy nghĩ xem, bạn sẽ hỗ trợ thành viên của mình như thế nào? Cách nhanh nhất là trả lời các câu hỏi và giải quyết vấn đề cho họ. Mục đích của cộng đồng hỗ trợ là tạo ra không gian nơi không phải riêng bạn mà là các thành viên của cộng đồng có thể trả lời các câu hỏi cho nhau. Phần lớn thành viên đến với cộng đồng có tính hỗ trợ là để tìm giải pháp cho vấn đề của chính bản thân họ. Vậy thì hãy nghĩ xem bạn sẽ tận dụng nguồn thông tin và sự hỗ trợ trong cộng đồng của mình như thế nào. Làm thế nào để thành viên của mình cảm thấy được lắng nghe, được giải quyết mối quan tâm của họ một cách trung thực và minh bạch?
Phát triển sản phẩm
Mục tiêu này gắn với việc làm mới, lấy phản hồi, nghiên cứu và phát triển.
Mục tiêu là mình mang sản phẩm của mình ra, cho nó một không gian để các thành viên cùng trải nghiệm, sử dụng rồi phản hồi.
Các cộng đồng mình từng vận hành thường sẽ có từ 3-6 tháng thử nghiệm, đánh giá, nghe phản hồi từ cộng đồng để thay đổi sản phẩm cho tốt hơn. Rồi từ cộng đồng, mình cũng biết cộng đồng thực sự đang cần gì, muốn gì và bọn mình xây dựng sản phẩm dựa trên những nhu cầu thực sự đó. Thậm chí có thể là test sản phẩm miễn phí.
Chẳng hạn bạn có chương trình coach nhưng chưa muốn bán đại trà, bạn có thể làm thử trong cộng đồng của mình, nhận feedback và thay đổi. Thành viên trong cộng đồng cũng cùng tham gia vào quá trình bạn tạo sản phẩm, giúp bạn tiết kiệm thời gian và nguồn lực rất nhiều. Chưa kể, việc bạn tập trung vào thiết kế phát triển sản phẩm thông qua cộng đồng, bạn cũng có thể có được sự tin tưởng của thành viên và sẽ là khách hàng tiềm năng của bạn, những người mà họ cảm thấy họ được lắng nghe, họ cảm thấy họ có sự tác động đến sản phẩm của bạn.
Chìa khoá để xây dựng một cộng đồng thịnh vượng là làm cho mọi người cảm thấy họ có quyền sở hữu trong quá trình này. Khi mình làm chương trình mentorship, mình đã khuyến khích mọi người làm thử, miễn phí, phản hồi rồi khi làm thật, mọi người cũng được tham gia vào việc đưa ra ý kiến và có lẽ chính vì vậy, họ có sự tự hào, họ thực sự ủng hộ sản phẩm đó.
Kích thích tăng trưởng
Tức là sự tăng trưởng, tiếp thị, thu hút mới.
Đặc biệt với các doanh nghiệp làm cộng đồng họ sẽ cần có không gian để nâng cao nhận thức về thương hiệu, thúc đẩy nội dung, tổ chức sự kiện v.v. Nhưng phải rất cẩn trọng với việc dùng cộng đồng để thúc đẩy doanh số bán hàng. Nếu bạn làm nó quá lộ liễu, quá thường xuyên, thành viên sẽ cực kỳ khó chịu và cảm thấy mất kết nối. Có lẽ điểm quan trọng là bạn cần thực hiện đúng, chân thành để biến cộng đồng thành động lực tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh của bạn.
Tăng cường hợp tác
Mọi người có thể chung tay làm một cuốn sách, đóng góp nội dung cho chương trình mentorship. Mọi người có thể trở thành speaker trong các sự kiện, cùng phát triển SPDV… Bản chất của Internet là gì? Là một môi trường hợp tác. Airbnb tạo không gian cho thành viên tạo nhà cho thuê. Wikipedia là không gian cho mọi người thêm và bổ sung kiến thức. Một nền tảng nội dung được tạo ra không thể chỉ là 1 người mà sẽ là bởi nhiều thành viên, thậm chí một thị trường, một xã hội.
Khi vận hành 200 ngày hướng dẫn dành cho người viết trong On Writing Daily, mình hiểu rào cản của những người tham gia sẽ là gì. Họ cần hướng dẫn, cần động viên, thúc đẩy, chia sẻ với nhau. Nhưng nếu mình không thể ngồi với từng bạn để giúp bạn gỡ các nút thắt của bạn ấy được. Nếu lựa chọn cách đó, thì không chỉ rủi ro mà nó là một điều phá hỏng cả mô hình kinh doanh lẫn cộng đồng. Nhưng nếu có thể tạo ra không gian, kêu gọi các mentor, những người đi trước có thể hỗ trợ, tham gia thì mình không xuất hiện ở đó cũng chẳng sao. Những người mới vào không cảm thấy họ chỉ là một người lạc lõng trong cộng đồng sẽ cảm thấy được chào đón hơn khi mà những người hướng dẫn họ cũng đã từng có những mục tiêu, thách thức giống họ. Một cách lặng lẽ, rất nhiều người hoàn thành trước các bài viết đã quay lại giúp và động viên những người mới. Và đó chính là sự đóng góp.
Theo lý thuyết 80/20 thì 80% nội dung của cộng đồng sẽ được tạo ra bởi 20% người dùng. Và ở quy mô đủ lớn, có thể chỉ có 1% các thành viên trong cộng đồng của bạn là tích cực đóng góp và hoạt động nhất. Nhưng cũng chẳng sao cả, bởi điều quan trọng là bạn phải làm cho số 1% những người đó cảm thấy thành công, cảm thấy giá trị hơn, cảm thấy tôi đang làm những điều ý nghĩa. Một nhóm nhỏ có thể tác động cực kỳ lớn tới phần còn lại của cộng đồng. Đó là cách mà các cộng đồng của mình đã làm và đã làm được. 1% những người đầu tiên tham gia không chỉ hoàn thành các bài viết, họ còn được thực hành, trở thành mentor, upgrade bản thân và tiếp tục giúp đỡ những người khác.
Hãy cùng đọc một chia sẻ của một thành viên trong cộng đồng A Freelance Doer:
Kết nối và củng cố niềm tin
Là mức độ gắn kết, nó chính là sự duy trì, lòng trung thành, những người đã vào rồi thì sẽ muốn ở lại lâu hơn, cảm thấy thân thiết, an toàn, cùng tổ chức và tham gia những trải nghiệm hấp dẫn, có giá trị. Đơn cử như các mini game hay thử thách mà mình từng tổ chức trong các cộng đồng, sau đó có phần thưởng, có kết quả cụ thể cho những người tham dự. Họ vừa thể hiện bản thân, vừa gắn kết với người khác, lại đồng thời tạo ra kết quả ngay. Thật ra khi thành viên đã cảm thấy họ thuộc về một nơi, họ ít có xu hướng tham gia sôi nổi ở những cộng đồng khác tương tự. Tương tác là mục tiêu phổ biến nhất khi mọi người nói tới làm cộng đồng.
Sự phát triển của thành viên
Thành công này không phải là thành công của cộng đồng, mà là thành công và sự phát triển của thành viên nhé. Mục tiêu là người ta vào cộng đồng, tham gia các hoạt động người ta phát triển hơn, giỏi hơn, thành công hơn. Họ cảm thấy họ lớn lên, tự tin hơn rồi họ hài lòng, yêu mến cộng đồng bởi vì họ được trao quyền để dạy lẫn nhau (mentorship là 1 ví dụ), giúp nhau nâng cao kỹ năng (chia sẻ kinh nghiệm cá nhân) và phát triển sự nghiệp của họ. A Freelance Doer và cả On Writing Daily đều là 2 cộng đồng thật sự đạt được yếu tố này.
Cá nhân mình cho rằng thành công của một cộng đồng là khi mỗi cá nhân trong đó thành công hơn. Nơi họ được trao quyền, được tạo điều kiện để học tập. A Freelance Doer có rất nhiều hướng dẫn và tài nguyên cho cộng đồng và sẽ còn tiếp tục có thêm nhiều nữa trong thời gian tới. Và mình nhận ra là gì, phần quan trọng nhất của yếu tố thành công này là biến thành viên trở thành chuyên gia và đầu tư vào sự nghiệp, vào mối quan tâm của họ bởi sau đó họ sẽ quay trở lại và muốn cống hiến cho cộng đồng nhiều hơn. Mình có thể tự tin rằng mình và A Freelance Doer hay On Writing Daily dã tạo ra được một làn sóng hoàn toàn mới gồm những con người, những leader tiếp tục tạo ra các lớp học, các sự kiện, hỗ trợ các thành viên khác và tiếp tục mời các thành viên khác vào cộng đồng.
Đầu tư vào sự thành công của thành viên trong cộng đồng thì họ sẽ có động lực để đầu tư vào thành công của bạn.