FOMO - Chiếc lưới mà Quản trị viên nào cũng từng mắc ít nhất một lần
Cạm bẫy tâm lý thường gặp của phần đông Quản trị viên cộng đồng.
Làm admin một cộng đồng đã áp lực, nhưng áp lực sẽ “được” nhân đôi khi bạn nhìn sang những cộng đồng khác. Họ đang tăng trưởng nhanh hơn? Họ có nội dung viral mà bạn không có? Thành viên họ tương tác rầm rộ hơn?
Những suy nghĩ này khiến admin bắt đầu nghi ngờ chính mình và nhóm của mình. “Mình có đang làm sai cách? Nhóm mình có đang tuột lại?”
Tâm lý học chỉ ra rằng con người có xu hướng so sánh xã hội (social comparison) như một bản năng. Trong quá trình đó, FOMO (“Fear of Missing Out” - sợ bỏ lỡ) dễ dàng nảy sinh. Nhưng so sánh có thực sự là một thói quen tốt? Hay đây là một cái bẫy khiến bạn mất nhiều hơn là được?
Hãy thành thật nhé: đã bao giờ bạn lướt qua một cộng đồng khác, thấy họ đông thành viên hơn, nội dung viral hơn, engagement bùng nổ hơn… rồi ngay lập tức có cảm giác bất an chưa?
Nếu có, CGL xin chúc mừng! Bạn không hề cô đơn. Đó chính là hội chứng FOMO (Fear of Missing Out) – nỗi sợ bị bỏ lỡ, và nó đặc biệt "ám" những người làm quản trị cộng đồng.
Phượng từng gặp rất nhiều Quản trị viên không biết cách lập chiến lược cộng đồng cũng như lên kế hoạch nội dung. Vì vậy, họ lên nội dung trong cộng đồng một cách rất ngẫu nhiên và “mì ăn liền”. Bất kể cái gì “có vẻ” hay hoặc cộng đồng khác đang đi nội dung, làm hoạt động nào, là làm theo y hệt như chỉ để “chấm công” cho an lòng.
Các bạn Quản trị viên thân mến!
Chúng ta dễ dàng nhìn vào thành công của cộng đồng khác mà quên mất rằng mọi thứ trên bề mặt đều có thể được "tô vẽ". Chúng ta thấy họ có 100.000 thành viên và tự hỏi: "Mình đang làm sai gì sao? Vì sao cộng đồng mình chỉ có 5.000?" Nhưng quên mất rằng, con số không nói lên tất cả:
Cộng đồng đó có thực sự chất lượng? Hay chỉ là một nhóm đông nhưng ít giá trị?
Admin của họ có đang quá tải? Hay họ cũng đang stress khi nhìn thấy một cộng đồng khác vượt xa mình?
Mục tiêu của họ có giống bạn không? Hay họ đang chơi một cuộc chơi hoàn toàn khác?
Chúng ta thường nhìn vào “highlight” của người khác mà quên rằng ai cũng có thể tồn tại mặt tối chưa kể.
Và một điều quan trọng là: mỗi cộng đồng đều mang những mã gen chuyên biệt. Rất nhiều biến số khác nhau như: chiến lược, năng lực quản trị viên, đối tượng thành viên, ngách cộng đồng. Ví dụ: bạn không thể nào so sánh tương tác giữa một nhóm viết lách (tệp mass) với một nhóm (tệp ngách).
VÌ SAO QUẢN TRỊ VIÊN DỄ MẮC FOMO?
(1) Tâm lý so sánh tự nhiên của con người
Bộ não con người được lập trình để so sánh. Điều này giúp tổ tiên chúng ta sống sót trong môi trường hoang dã, nhưng trong thế giới digital, nó lại khiến ta dễ bị cảm giác thua kém bủa vây. Khi làm admin, ta dễ đặt mình vào thế đối chiếu với những cộng đồng khác và quên mất hành trình riêng của mình.
(2) Áp lực từ kỳ vọng cá nhân & thành viên
Là admin, bạn luôn muốn cộng đồng mình phát triển. Nhưng đôi khi, kỳ vọng này lại tạo áp lực vô hình. Bạn thấy một cộng đồng khác ra mắt sự kiện thu hút hàng nghìn người, và ngay lập tức nghĩ: "Mình cũng phải làm gì đó lớn hơn!" Kết quả? Bạn vội vã thay đổi chiến lược, chạy theo trend mà quên mất điều gì thực sự phù hợp với cộng đồng của mình.
(3) Hiệu ứng "ánh hào quang" của cộng đồng lớn
Cộng đồng đông thành viên, nhiều tương tác thường tạo cảm giác họ đang làm rất tốt. Nhưng sự thật là gì?
Rất nhiều nhóm lớn có tỷ lệ thành viên "ẩn" (lurkers) lên đến 90%.
Engagement cao có thể đến từ những nội dung mang tính giải trí, không đồng nghĩa với giá trị thực sự.
Một số cộng đồng có thể đạt được số lượng thành viên khổng lồ nhờ quảng cáo hoặc giveaway – không hẳn là organic growth bền vững.
Vậy nên, nếu bạn so sánh một cộng đồng chuyên môn nhỏ nhưng sâu với một nhóm giải trí có hàng triệu thành viên, đó là một cuộc đua khập khiễng.
CÁM DỖ CỦA VIỆC CHẠY THEO FOMO – NHỮNG CÁI BẪY CẦN TRÁNH
(1) Chạy theo số lượng thay vì chất lượng
FOMO khiến bạn nghĩ rằng chỉ cần có nhiều thành viên là cộng đồng sẽ thành công. Bạn bắt đầu mở cửa rộng rãi, chấp nhận tất cả mọi người vào nhóm mà không lọc thành viên phù hợp. Hậu quả?
Nội dung loãng dần, khó kiểm soát
Chất lượng thảo luận giảm sút
Người thực sự cần cộng đồng của bạn có thể rời đi.
(2) Đốt quá nhiều năng lượng cho những chiến dịch "ăn liền"
Bạn thấy một cộng đồng khác tổ chức challenge hoành tráng và ngay lập tức lao vào làm tương tự mà không suy xét liệu nó có phù hợp không. Khi chạy theo những chiến dịch kiểu này mà không có chiến lược lâu dài, bạn sẽ nhanh chóng cạn kiệt năng lượng và mất phương hướng.
(3) Đánh mất bản sắc riêng
Cộng đồng thành công không chỉ vì họ có nhiều người, mà vì họ có một lý do để tồn tại. Nếu bạn liên tục thay đổi phong cách chỉ để bắt kịp xu hướng, cộng đồng sẽ mất đi điểm khác biệt – và đó là lúc người thực sự quan tâm rời đi.
VƯỢT QUA FOMO: CÔNG THỨC ĐỂ ĐI ĐƯỜNG DÀI
(1) Xác định lại mục tiêu của bạn
Trước khi nhìn sang cộng đồng khác, hãy tự hỏi:
Mục tiêu của mình là gì? (Tạo giá trị chuyên sâu hay chỉ muốn đông người?)
Mình đang phục vụ ai? (Chuyên gia, newbie hay ai đó khác?)
Mình muốn cộng đồng này trông như thế nào sau 1 năm, 3 năm?
Khi có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ ít bị dao động bởi sự so sánh bên ngoài.
(2) Học hỏi có chọn lọc
Thay vì nhìn vào con số, hãy học hỏi chiến lược thực sự hữu ích từ cộng đồng khác:
Họ làm gì để giữ chân thành viên?
Họ xây dựng nội dung giá trị ra sao?
Điều gì trong cách quản lý của họ có thể áp dụng mà không làm mất đi bản sắc của bạn?
Học hỏi là tốt, nhưng sao chép một cách vô thức thì không.
(3) Giới hạn thời gian "ngó nghiêng" cộng đồng khác
FOMO mạnh nhất khi bạn dành quá nhiều thời gian theo dõi đối thủ. Hãy đặt giới hạn:
Chỉ đi dạo một vòng cộng đồng khác tối đa 30 phút/tuần.
Dành 90% thời gian để phát triển cộng đồng của riêng bạn.
Khi bạn tập trung vào chính mình, sự so sánh sẽ giảm đi đáng kể.
BÀI TẬP THỰC HÀNH ĐỂ "CẮT CƠN" FOMO
Bài tập 1: Nhật ký so sánh
Trong một tuần, mỗi khi thấy mình so sánh với cộng đồng khác, hãy viết xuống:
Bạn so sánh điều gì?
Cảm xúc của bạn ra sao?
Điều này ảnh hưởng thế nào đến quyết định của bạn?Nhìn lại danh sách, xác định đâu là cảm xúc tiêu cực không cần thiết, đâu là bài học thực sự đáng giá.
Bài tập 2: Đặt mục tiêu dựa trên giá trị riêng
Xác định 3 giá trị cốt lõi của cộng đồng bạn.
Đặt mục tiêu phát triển dựa trên những giá trị này, thay vì chạy theo số lượng thành viên hay trend thị trường.
Bài tập 3: Detox "soi" cộng đồng khác
Trong 7 ngày, không truy cập vào các nhóm đối thủ.
Tập trung vào việc cải thiện nội dung và gắn kết thành viên của chính bạn.
Cuối tuần, đánh giá: Bạn có thấy mình nhẹ nhõm hơn không?
FOMO là điều ai cũng gặp phải, nhưng bạn có quyền lựa chọn cách phản ứng. Cộng đồng của bạn không cần phải giống bất kỳ ai khác – nó chỉ cần phục vụ đúng những người mà bạn muốn giúp đỡ. Hãy tập trung vào giá trị riêng, và thành công sẽ đến theo cách bền vững nhất.
Điểm tin tuần này:
Thử thách From Lurker to Leader đang bước vào chặng về đích. Hãy cùng CGL đón chờ danh sách chung cuộc vào thứ hai tuần sau nhé. Bây giờ, bạn có thể gõ tìm hashtag #L2L #fromhearttoheart trong Community Growth Lab để xem lại những phần bài tập lẫn bài làm rất hữu ích cho hành trình xây dựng cộng đồng của bạn.
Hẹn gặp lại bạn!