Framework PERSONAL: Hướng dẫn từng bước xây dựng thương hiệu cá nhân bền vững dành cho QTV
Thương hiệu cá nhân là tấm gương phản chiếu cách bạn tác động đến cộng đồng, dù bạn không có mặt ở đó.
Trong kỷ nguyên số, thương hiệu cá nhân (THCN) không chỉ là một lợi thế mà còn là yếu tố sống còn đối với Quản trị viên (QTV) cộng đồng. Với vai trò là người dẫn dắt, bạn không chỉ cần tạo ra một cộng đồng gắn kết mà còn phải khẳng định giá trị bản thân một cách rõ ràng. Framework PERSONAL là một lộ trình toàn diện, dẫn dắt bạn từ việc hiểu rõ bản thân đến phát triển thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và tạo dấu ấn trong cộng đồng.
P - Purpose: Xác định mục đích
Tầm quan trọng của mục đích
Mục đích là kim chỉ nam trong mọi hoạt động. Nếu không rõ lý do bạn xây dựng thương hiệu và cộng đồng, mọi nỗ lực sẽ dễ đi chệch hướng.
Hành động cụ thể:
Trả lời các câu hỏi trọng tâm:
Vì sao bạn muốn xây dựng cộng đồng này?
Điều gì khiến bạn khác biệt so với những QTV cộng đồng khác?
Giá trị lớn nhất bạn muốn mang lại cho cộng đồng là gì?
Thực hành:
Viết ra một tuyên ngôn cá nhân gồm 2-3 câu, tóm gọn mục đích và giá trị mà bạn cam kết sẽ thực hiện trong cộng đồng.
E - Explore: Khám phá bản thân
Điểm mạnh tạo nên thương hiệu cá nhân
Sự khác biệt của bạn đến từ chính những trải nghiệm, kỹ năng và giá trị cá nhân. Khám phá bản thân là bước đầu để xác định bạn sẽ xuất hiện trước cộng đồng như thế nào.
Hành động cụ thể:
Liệt kê giá trị cốt lõi của bạn:
Tạo một danh sách 5 giá trị cốt lõi mà bạn muốn THCN của mình thể hiện. Đây có thể là những từ khóa như: "Chuyên nghiệp", "Tận tâm", "Đổi mới", "Lắng nghe", "Hướng đến kết quả". Sau khi hoàn thành, hãy thử diễn giải lý do bạn chọn từng giá trị này và cách bạn thể hiện nó trong công việc hàng ngày.Viết tuyên ngôn cá nhân:
Dành 15 phút viết một câu tuyên ngôn thể hiện mục tiêu và giá trị cốt lõi của bạn. Ví dụ: "Tôi là người giúp cộng đồng phát triển bền vững thông qua chia sẻ kiến thức và xây dựng các mối quan hệ chất lượng."Phản ánh về điểm mạnh và cơ hội phát triển:
Lấy một tờ giấy chia thành hai cột. Cột bên trái liệt kê tất cả các điểm mạnh mà bạn sở hữu. Cột bên phải, hãy ghi ra những cơ hội phát triển của bạn trong tương lai. Cân nhắc làm thế nào để kết hợp giữa các điểm mạnh và cơ hội để tạo ra giá trị lớn nhất cho thành viên.Khám phá mục tiêu cá nhân và cộng đồng:
Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) mô tả bạn muốn cộng đồng của mình trông như thế nào trong 6 tháng hoặc 1 năm tới. Hãy nghĩ về mục tiêu của cộng đồng, những thay đổi bạn mong muốn, và vai trò bạn muốn đóng trong quá trình đó.
R - Relationship: Xây dựng mối quan hệ chiến lược
Mối quan hệ là tài sản vô hình nhưng có giá trị lớn đối với bất kỳ QTV nào. Việc mở rộng và duy trì những mối quan hệ chiến lược không chỉ giúp bạn phát triển cộng đồng mà còn củng cố THCN. Dưới đây là 5 cách hiệu quả để xây dựng mối quan hệ chiến lược:
1. Hợp tác với chuyên gia khác
Sự cộng tác không chỉ gia tăng giá trị cho cộng đồng mà còn giúp bạn học hỏi từ những chuyên gia có kinh nghiệm.
Thực hiện:
Mời chuyên gia chia sẻ trong các buổi webinar, workshop hoặc viết bài khách mời. Ví dụ: Workshop Bravo! Branding hay Từ sao sao đến Ồ wow là những chuỗi sự kiện CGL kết hợp với các chuyên gia khác để tổ chức hướng dẫn về những kỹ năng liên quan thiết kế, sáng tạo nội dung dành cho thành viên.
Tham gia các dự án chung, như tổ chức sự kiện hay sáng tạo nội dung.
2. Tăng cường kết nối cá nhân
Những mối quan hệ cá nhân thường là nền tảng cho sự trung thành và ủng hộ lâu dài trong cộng đồng.
Thực hiện:
Tương tác trực tiếp với các thành viên tích cực, ghi nhận và khen ngợi sự đóng góp của họ. Ví dụ: hoạt động vinh danh thành viên năng nổ nhất hàng tháng.
Tạo không gian riêng tư để trò chuyện sâu hơn, như qua tin nhắn hoặc các buổi họp nhỏ.
3. Tham gia vào các cộng đồng liên quan
Tham gia các cộng đồng khác giúp bạn mở rộng mạng lưới và tiếp cận những người có thể trở thành thành viên hoặc đối tác tiềm năng.
Thực hiện:
Tìm kiếm những cộng đồng có chủ đề liên quan đến lĩnh vực của bạn.
Ví dụ:
Cộng đồng The Expert Economy sẽ phù hợp với các bạn đang quan tâm khởi nghiệp kinh doanh tri thức
Cộng đồng On Writing Daily sẽ phù hợp với các bạn muốn hình thành thói quen và kỷ luật viết
Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và tạo dựng hình ảnh như một người tích cực, uy tín.
Kết nối với QTV của các cộng đồng khác để tạo cơ hội hợp tác.
4. Xây dựng mối quan hệ với các tổ chức và doanh nghiệp
Tại sao cần quan tâm đến đối tượng này?
Các tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể trở thành đối tác tài trợ, cung cấp tài nguyên hoặc đồng hành cùng bạn trong các sự kiện lớn.Thực hiện như thế nào?
Tìm hiểu các tổ chức có chung giá trị hoặc mục tiêu với cộng đồng của bạn.
Gửi lời mời hợp tác hoặc tài trợ, kèm theo giá trị mà bạn có thể mang lại cho họ.
Duy trì mối quan hệ bằng cách thường xuyên cập nhật hoạt động của cộng đồng và cảm ơn sự hỗ trợ của họ.
5. Tạo sự kiện để kết nối
Các sự kiện không chỉ giúp thúc đẩy tương tác trong cộng đồng mà còn tạo cơ hội để mở rộng mối quan hệ với những người bên ngoài.
Thực hiện:
Tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp hoặc trực tuyến với mục tiêu rõ ràng (kết nối, học hỏi, hoặc hợp tác).
Mời cả thành viên cộng đồng lẫn các khách mời bên ngoài tham gia.
Dành thời gian cá nhân để trò chuyện với từng khách mời, từ đó phát triển quan hệ dài hạn.
S - Storytelling: Kể câu chuyện cá nhân
Sức mạnh của câu chuyện
Câu chuyện cá nhân giúp bạn tạo kết nối cảm xúc với cộng đồng, từ đó khẳng định giá trị và tăng sức ảnh hưởng. Trong lớp Wow Content, mình cũng hướng dẫn các bạn học viên về kỹ thuật viết kể chuyện để tạo ra được content vô hạn dùng trên trang cá nhân lẫn trong cộng đồng chính.
Hành động cụ thể:
Cấu trúc câu chuyện:
Bối cảnh: Giới thiệu tình huống hoặc thử thách bạn đã trải qua.
Thách thức: Kể về khó khăn bạn đối mặt.
Hành động: Mô tả cách bạn vượt qua thử thách.
Kết quả: Đưa ra thông điệp hoặc giá trị bạn học được.
Các bài tập thực hành viết kể chuyện
Bài tập 1: Viết nhật ký trải nghiệm cá nhân
Mỗi tuần, dành thời gian ghi lại một trải nghiệm đáng nhớ liên quan đến vai trò của bạn trong cộng đồng. Hãy tập trung vào cảm xúc, những gì bạn học được và cách bạn đối mặt với tình huống.
Sau 1 tháng, chọn một trải nghiệm để phát triển thành câu chuyện hoàn chỉnh với cấu trúc 4 phần đã nêu.
Bài tập 2: Luyện viết “micro-stories”
Chọn một sự kiện nhỏ trong ngày, như một tương tác thú vị với thành viên trong cộng đồng, và viết lại trong 100-150 từ.
Hãy tập trung vào chi tiết đặc biệt: một câu nói, một hành động, hoặc một cảm xúc mạnh.
Bài tập 3: Kể chuyện qua hình ảnh hoặc video
Tạo một bài đăng trên mạng xã hội, kết hợp hình ảnh/video minh họa với một đoạn chú thích kể câu chuyện ngắn.
Ví dụ: Một bức ảnh chụp buổi gặp gỡ cộng đồng, kèm câu chuyện về nỗ lực tổ chức và niềm vui khi thấy mọi người tham gia nhiệt tình.
Bài tập 4: Thực hành kể chuyện trước nhóm nhỏ
Tổ chức một buổi thảo luận trực tuyến hoặc offline. Bắt đầu bằng cách kể một câu chuyện cá nhân để tạo không khí thoải mái và khơi gợi sự tham gia từ mọi người.
Sau đó, khuyến khích các thành viên kể câu chuyện của họ.
O - Outreach: Mở rộng ảnh hưởng
Mở rộng tầm ảnh hưởng cá nhân
Khi bạn xuất hiện ở nhiều nơi và tương tác với đúng đối tượng, THCN sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn. Điều này chỉ khuyến khích thực hiện khi bạn cảm thấy đã đủ nguồn lực cũng như kho nội dung bắt đầu đầy lên, thường sớm nhất là một năm trở lên.
Bạn nên đào sâu trong mọi ngóc ngách của chủ đề ngách trước khi chuyển sang chiều ngang, mở rộng và thu hút thêm tệp thành viên từ đa kênh.
Hành động cụ thể:
Phát triển hình ảnh trên mạng xã hội:
Tập trung vào 1-2 nền tảng chính, đăng bài đều đặn và chuyên nghiệp. Sau đó, bắt đầu mở các sub-communities để triển khai chủ đề nhanh, các nền tảng mạng xã hội khác.
Tham gia sự kiện ngành:
Diễn thuyết, tham gia hội thảo hoặc tổ chức workshop để tăng cường sự hiện diện.
Ảnh là mình tham gia một workshop về Xây dựng và phát triển cộng đồng trong kỷ nguyên số do OnAir phối hợp tổ chức với 2 đơn vị khác.
N - Nurture: Nuôi dưỡng cộng đồng
Xây dựng và phát triển cộng đồng đã khó, việc nuôi dưỡng được cộng đồng càng thách thức hơn với các QTV. Nuôi dưỡng cộng đồng là quá trình duy trì sự gắn kết và tạo ra giá trị liên tục cho các thành viên.
Điều này đòi hỏi quản trị viên phải lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu của cộng đồng và đáp ứng bằng những hoạt động thiết thực. Việc tạo không gian an toàn, nơi mọi người cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng, là nền tảng để xây dựng niềm tin.
Đồng thời, QTV cần thúc đẩy sự tương tác qua các sự kiện, thảo luận và nội dung mang tính kết nối. Một cộng đồng được nuôi dưỡng tốt không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, trở thành nguồn cảm hứng và động lực cho tất cả các thành viên.
Ví dụ, chị Hạ Dương, nhờ vào đam mê sáng tác và vẽ tranh cũng như tiếp nhận năng lượng từ chính thành viên trong cộng đồng Ổ sách mà chị đã có thể kiên trì, nuôi dưỡng cộng đồng đến nay đã tròn 5 năm tuổi.
A - Action: Hành động nhất quán
Mọi lời nói và cam kết của bạn cần được minh chứng qua hành động thực tế.
Ví dụ:
Giữa lời hứa, sứ mệnh cộng đồng và thực tế những gì bạn đang triển khai trong cộng đồng phải là MỘT.
Hành động cụ thể:
1. Giao tiếp rõ ràng và minh bạch
Trả lời câu hỏi của thành viên một cách trung thực và nhất quán.
Thông báo những thay đổi, sự kiện hoặc quyết định quan trọng đúng lúc và đủ thông tin.
2. Tuân thủ quy tắc cộng đồng
QTV cần gương mẫu tuân thủ các quy tắc mà mình đã đặt ra, từ cách giao tiếp đến nội dung chia sẻ.
Giải quyết các vi phạm trong cộng đồng một cách công bằng, không thiên vị.
3. Đảm bảo tính liên tục của hoạt động
Duy trì lịch trình đăng bài, tổ chức sự kiện hoặc hoạt động định kỳ để giữ lửa cho cộng đồng.
Không để khoảng trống quá dài trong việc tương tác hoặc cập nhật.
Nội dung được chia sẻ trong cộng đồng luôn phù hợp với giá trị cốt lõi mà cộng đồng hướng đến.
Chủ động điều hướng các cuộc thảo luận sao cho mang lại giá trị tích cực.
4. Duy trì sự hiện diện nhất quán
QTV cần thường xuyên xuất hiện trong cộng đồng để tương tác, chia sẻ và dẫn dắt.
Không chỉ là người "quản lý từ xa", mà còn phải là thành viên tích cực tham gia mọi hoạt động.
5. Thực hiện những lời cam kết
Nếu đã hứa về một sự kiện, phần thưởng, hoặc nội dung, QTV cần đảm bảo thực hiện đúng hạn và đúng chất lượng.
Tránh việc đưa ra lời hứa quá mức mà không thể thực hiện được.
L - Leadership: Phong cách lãnh đạo
Phong cách lãnh đạo của bạn là cách bạn truyền tải giá trị, điều hành cộng đồng, và tạo nên văn hóa đặc trưng. Đối với QTV cộng đồng, phong cách lãnh đạo không chỉ thể hiện qua lời nói mà còn qua hành động nhất quán, cách bạn giải quyết vấn đề, và sự kết nối với các thành viên.
Chân thành và rõ ràng
Trong vai trò QTV, sự chân thành giúp bạn tạo dựng lòng tin từ các thành viên. Họ sẽ cảm nhận được rằng bạn thật sự quan tâm đến họ, không chỉ với vai trò người lãnh đạo mà còn là một người đồng hành.
Thực hành:
Viết một bài chia sẻ ngắn gọn về lý do bạn tạo ra hoặc tham gia quản trị cộng đồng. Trong bài viết, hãy nêu rõ những giá trị bạn theo đuổi và mong muốn xây dựng.
Thử đặt ra một bộ quy tắc ứng xử của cộng đồng. Ví dụ: Tôn trọng ý kiến khác biệt, không lan truyền thông tin sai lệch.
Linh hoạt nhưng nhất quán
Cộng đồng không ngừng phát triển, do đó bạn cần biết cách điều chỉnh phong cách lãnh đạo sao cho phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế.
Mặc dù linh hoạt trong cách tiếp cận, bạn vẫn phải giữ vững các giá trị cốt lõi. Điều này giúp cộng đồng nhận diện được phong cách của bạn.
Thực hành:
Ghi nhận phản hồi từ 5-10 thành viên trong cộng đồng về cách bạn điều hành. Liệu họ có cảm thấy bạn linh hoạt và đồng thời nhất quán với định hướng không?
Tự phản ánh: Liệt kê những tình huống khó khăn bạn đã xử lý. Đánh giá xem bạn đã linh hoạt hay cố gắng áp đặt theo ý mình.
Làm gương và truyền cảm hứng
Thành viên cộng đồng thường học hỏi và noi theo cách bạn hành xử. Nếu bạn cư xử với sự chuyên nghiệp, họ sẽ làm theo. Nếu bạn truyền năng lượng tích cực, cộng đồng cũng sẽ phát triển theo hướng đó.
Làm rõ sứ mệnh của cộng đồng, chia sẻ các câu chuyện thành công, và khuyến khích mọi người đóng góp giá trị.
Thực hành:
Hãy làm một bài kiểm tra nhỏ: Bạn có đang là hình mẫu tốt trong các khía cạnh sau không?
Giải quyết mâu thuẫn với tinh thần hợp tác?
Truyền năng lượng tích cực qua bài đăng hoặc tương tác?
Thực hiện đúng lời hứa của mình với cộng đồng?
Tổ chức một buổi trò chuyện trực tiếp hoặc trực tuyến để chia sẻ câu chuyện của bạn về hành trình lãnh đạo. Đặt câu hỏi cho các thành viên: "Điều gì khiến bạn cảm thấy gắn bó với cộng đồng này?"
Cân bằng dẫn dắt và sự đồng cảm
Là QTV, bạn có quyền đưa ra quyết định quan trọng. Tuy nhiên, hãy sử dụng quyền lực một cách công tâm, minh bạch.
Hiểu rằng mọi thành viên đều có hoàn cảnh và quan điểm riêng. Đồng cảm giúp bạn kết nối sâu sắc hơn với họ và tạo ra môi trường tích cực.
Thực hành:
Khi giải quyết mâu thuẫn, hãy áp dụng quy trình 3 bước:
Lắng nghe cả hai bên mà không phán xét.
Đưa ra giải pháp hài hòa, phù hợp với nguyên tắc cộng đồng.
Truyền tải thông điệp rằng tất cả đều hướng đến mục tiêu chung.
Tổ chức một buổi khảo sát ý kiến để lắng nghe mong muốn của các thành viên, qua đó cải thiện cách quản trị.
Phát triển văn hóa cộng đồng
Văn hóa là yếu tố vô hình nhưng lại có sức mạnh gắn kết lâu dài. Ví dụ, bạn muốn cộng đồng của mình đề cao sự học hỏi, sáng tạo, hay tương trợ lẫn nhau?
Nếu bạn muốn cộng đồng đề cao sự hợp tác, hãy là người đầu tiên thể hiện điều đó qua cách bạn kết nối và chia sẻ.
Thực hành:
Xây dựng một "mantra" ngắn gọn đại diện cho văn hóa cộng đồng.
Ví dụ:
Slogan nổi bật của CGL đã trở thành kim chỉ nam xuyên suốt trong mọi hoạt động cộng đồng “Create a sense of belonging”
Thông điệp xúc tích, cô động của TEE - Cộng đồng chuyên gia kinh doanh tri thức là “Monetize your expertise”
Triển khai một hoạt động thường xuyên (thảo luận, workshop) để củng cố văn hóa này.
Tựu chung, Framework PERSONAL không chỉ là lộ trình xây dựng THCN mà còn là chìa khóa để bạn trở thành một QTV xuất sắc. Với từng bước cụ thể, bạn sẽ không chỉ định vị bản thân mà còn dẫn dắt cộng đồng phát triển bền vững, tạo nên dấu ấn độc đáo và giá trị lâu dài.
Điểm tin tuần này:
Theo dõi những diễn biến thú vị cũng như trải nghiệm bộ đề của Thử thách Giveway - Enter to slay
Chờ đón thông tin Cộng đồng membership của CGL, dự kiến sẽ công bố trong tuần sau.