Kỹ năng lãnh đạo khi quản trị cộng đồng
Khi sự ảnh hưởng không đến từ chức danh
Trong vai trò một quản trị viên (admin hay moderator), bạn không chỉ quản lý nhóm. Bạn chính là người đang dẫn dắt một cộng đồng, nơi tập hợp những cá nhân có quan điểm, mục tiêu, giá trị rất đa dạng. Không có bảng lương, không có KPI rõ ràng, và càng không có quyền hạn hành chính. Nhưng bạn vẫn phải truyền cảm hứng, giữ vững năng lượng và dẫn dắt cả cộng đồng đi về phía mục tiêu chung.
Làm sao để lãnh đạo trong một môi trường như vậy?
1. Lãnh đạo bằng giá trị, không phải mệnh lệnh
Quản trị cộng đồng không phải là “ra luật rồi bắt tuân theo”. Khi thành viên gia nhập, họ không ký hợp đồng cam kết hay bị ràng buộc lợi ích tài chính. Thứ duy nhất giữ họ lại là giá trị họ nhận được. Và giá trị đó đến từ bạn, người đứng sau dẫn dắt luồng tư duy của cộng đồng.
Con người dễ bị thuyết phục không phải bởi lý lẽ, mà bởi sự nhất quán giữa lời nói và hành vi. Niềm tin trong cộng đồng cũng được hình thành từ nguyên lý này.
Bạn phải là hiện thân của giá trị cốt lõi mà cộng đồng theo đuổi. Không cần quá hoàn hảo, nhưng bạn cần sống thật với điều mình cổ vũ. Nếu cộng đồng nói về tự học, bạn nên là người chia sẻ quá trình tự học của mình. Nếu cộng đồng nói về nữ quyền, bạn phải dám lên tiếng khi thấy định kiến giới xảy ra trong thảo luận.
Ví dụ:
các thành viên trong cộng đồng The Expert Economy - Cộng đồng chuyên gia kinh doanh tri thức thường nhận xét nội dung của TEE rất chạm, đúng ngay với nhu cầu hiện tại của họ. Bởi vì mình đang kể và hướng dẫn lại thực tế hành trình solo mà bản thân đã đi qua.
Nên là, niềm tin không đến từ bài post được ghim, mà từ hành vi lặp lại đủ lâu.
2. Khơi gợi hơn là kiểm soát
Một người lãnh đạo cộng đồng không nhất thiết phải luôn là người nói hay nhất, mà là người đặt đúng câu hỏi và gọi đúng tên vấn đề.
Thay vì kiểm soát nội dung thành viên chia sẻ, hãy dùng sự nhạy bén của bạn để gợi mở:
• “Chủ đề này thú vị quá! Có ai từng trải nghiệm tương tự?”
• “Nếu bạn là người mới trong hành trình này, bạn sẽ cần điều gì nhất từ cộng đồng?”
Câu hỏi đúng lúc có thể khơi gợi một chuỗi phản hồi chân thành. Đừng nghĩ mình phải luôn tạo nội dung. Hãy là người tạo điều kiện cho nội dung được sinh ra.
Người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao (EQ) thường có khả năng đặt câu hỏi gợi mở, nhờ khả năng quan sát cảm xúc nhóm và điều chỉnh lời nói để không gây phản kháng, mà vẫn dẫn dắt được đối thoại.
3. Dẫn dắt cảm xúc, không thao túng cảm xúc
Một cộng đồng hoạt động tốt là một cộng đồng có cảm xúc tích cực: kết nối, tin tưởng, tự hào, hứng thú. Quản trị viên giỏi cần biết quản lý không khí chung, đặc biệt trong thời điểm khó khăn: khi có mâu thuẫn, khi thảo luận trở nên tiêu cực, hay khi tương tác tụt dốc.
Bạn cần tinh tế:
• Biết khi nào nên lên tiếng để dập xung đột.
• Biết khi nào nên im lặng để thành viên tự xử lý.
• Biết khi nào cần khơi lại hy vọng, khi cộng đồng mất động lực.
Đây là EQ nhóm: khả năng cảm nhận và điều phối trạng thái cảm xúc tập thể, điều rất cần trong cộng đồng có tính tương tác cao.
Tuyệt đối không nên “chơi chiêu” thao túng cảm xúc như:
• Dẫn dắt cảm xúc tiêu cực để “đánh thức” tương tác
• Tạo drama để giữ sự chú ý
Ngắn hạn có thể có kết quả, nhưng dài hạn là mất uy tín.
4. Ý thức được mình không là trung tâm
Người mới vào cộng đồng không biết bạn là ai. Và điều đó... không sao cả.
Thực tế, một cộng đồng tốt là nơi vai trò của admin dần trở nên “mờ” đi vì đã có nhiều thành viên cùng lan tỏa, cùng giữ gìn. Nhưng “mờ” không đồng nghĩa với “mất dấu”. Người lãnh đạo vẫn phải hiện diện, không nhất thiết bằng số post nhiều nhất, mà bằng:
• Tầm nhìn bạn lặp lại đều đặn
• Tinh thần bạn lan tỏa
• Những cuộc đối thoại bạn kích hoạt
Hãy biết khi nào nên lùi một bước để trao quyền cho thành viên phát triển vai trò của họ. Đó là sự trưởng thành của một leader cộng đồng.
Ví dụ cộng đồng On Writing Daily là cộng đồng đã có đời sống riêng của nó. Các Quản trị viên vẫn hiện diện kiểm duyệt, có mặt vào những lúc cần thiết nhưng rất “âm thầm”. Điều này liên quan đến hành trình giai đoạn phát triển của cộng đồng, ngách và chiến lược của mỗi cộng đồng.
Người có bản ngã khỏe mạnh sẽ không bị đe dọa bởi việc chia sẻ spotlight. Họ hiểu rằng, quyền lực đích thực là khả năng giúp người khác cũng phát triển năng lực lãnh đạo.
5. Giữ được mình giữa dòng chảy
Mình vẫn thường hay chia sẻ: “Cộng đồng là một chủ thể sống”. Có ngày sôi nổi, có ngày lặng thinh. Có khi yêu thương nhau đầm ấm, có khi tranh cãi nảy lửa. Người lãnh đạo không được phép để cảm xúc cá nhân chi phối hành động.
• Khi bị chỉ trích, bạn cần biết tiếp nhận không phòng thủ.
• Khi thấy thờ ơ, bạn cần kiên nhẫn tái tạo năng lượng.
• Khi thấy mình đuối sức, bạn cần biết dựa vào team hoặc cộng đồng chính mình đã xây.
Kỹ năng lãnh đạo bền vững bắt đầu từ việc giữ vững tinh thần và cảm xúc dài hạn, không bốc đồng, không kiệt quệ.
Khi bạn là người thường xuyên ra quyết định cảm xúc cho cả cộng đồng, nguy cơ burnout cảm xúc rất cao nếu không có quy trình phục hồi hoặc tìm sự hỗ trợ từ đồng đội.
GỢI Ý PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN KỸ NĂNG LÃNH ĐẠO CỘNG ĐỒNG
Dưới đây là một số hoạt động và phương pháp thực hành bạn có thể áp dụng:
1. Viết nhật ký cộng đồng mỗi tuần
• Ghi lại điều gì đang diễn ra trong cộng đồng, cảm nhận của bạn, những điểm bạn xử lý tốt/chưa tốt.
• Đây là cách rèn tư duy phản tư (reflection), nền tảng để phát triển EQ và khả năng quan sát cảm xúc nhóm.
2. Thực hành “Listening Circle”
• Tổ chức một phiên thảo luận nhóm nơi bạn chỉ lắng nghe (không phản hồi, không đánh giá).
• Học cách cảm nhận ngôn ngữ phi ngôn từ và cảm xúc ẩn giấu.
3. Dành thời gian “ẩn mình” và quan sát
• Một tuần/lần, đừng đăng gì cả: chỉ đọc bình luận và ghi chú về: chủ đề nào đang tạo sóng? ai là người đang dẫn dắt tự nhiên? ai đang tụt năng lượng?
4. Tham gia nhóm cộng đồng khác với vai trò thành viên
• Để cảm nhận mình sẽ kỳ vọng điều gì từ admin, và học được cách người khác tạo ra ảnh hưởng.
Lãnh đạo cộng đồng không phải là người xuất hiện mỗi tuần 2 lần để “điểm danh” hay “bắt trend”. Người lãnh đạo thật là người:
• Có khả năng tạo cảm hứng mà không cần sân khấu
• Có kỷ luật làm việc âm thầm, không cần vỗ tay
• Có tư duy chiến lược đủ lâu, để mọi bước nhỏ hôm nay trở thành sự thay đổi bền vững ngày mai
Nếu bạn là một quản trị viên cộng đồng đang đọc những dòng này, hãy tự hào biết rằng bạn đang làm một trong những công việc lãnh đạo khó nhất nhưng ý nghĩa nhất.
Và một ngày nào đó, khi nhìn lại, bạn sẽ nhận ra:
“bạn không chỉ tạo ra một cộng đồng, bạn đã rèn luyện mình trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ, từ những việc tưởng như nhỏ bé nhất. Chính từ nền tảng này, bạn cũng sẽ “lãnh đạo” tốt cuộc sống của chính bạn”
Chúc bạn là một Quản trị viên bình tâm và hạnh phúc nhé <3
Điểm tin tuần này:
Hãy tiếp tục theo dõi CGL STORY để cùng ôn lại những bài học, kỷ niệm cũng như khám phá thêm những tài nguyên, kết nối mà bạn chưa chạm đến trước đó.
Ngoài ra, bạn hãy cùng chúng mình đón chờ công bố thông tin chính thức về chuỗi sự kiện được mong đợi nhất “Xây dựng chiến lược cộng đồng trên Zalo” do CGL tổ chức nhé.