Nghĩ về chiến lược cộng đồng như CEO
Chiến lược cộng đồng là ngọn đuốc chỉ đường cho mọi hoạt động trong cộng đồng
Tác giả: Tố Uyên
Trong suốt khóa học Facebook Community của CGL, kết hợp với 2 khóa Self-learning bổ trợ, mình nhận thấy có rất nhiều lần chị Linh Phan và Phượng nhấn mạnh về việc xác định chiến lược.
Chiến lược rõ ràng rất quan trọng, và sẽ ảnh hưởng đến tất cả các yếu tố của cộng đồng: nội dung, thử thách, sản phẩm dịch vụ, đối tượng khách hàng…
Trong đó có các khái niệm lặp đi lặp lại: chiến lược, sứ mệnh, lý do thành lập cộng đồng, giá trị cốt lõi, chiến lược và chiến thuật…
Vậy, các yếu tố này liên quan tới nhau thế nào? Làm sao để xác định chúng? Chiến lược, chiến thuật được thể hiện ở đâu và sử dụng khi nào?
Đó là chủ đề chính của bài viết hôm nay. Với bài viết này, mình hy vọng sẽ đem lại một cái nhìn toàn cảnh giúp mọi người thuận lợi hơn trong việc xác định chiến lược cho cộng đồng.
Bài viết dựa trên mô hình tư vấn chiến lược của các tổ chức tư vấn lớn trên thế giới (Ernst & Young, KPMG…), cùng với kiến thức mình được học, làm việc và trải nghiệm trong hơn 10 năm gắn bó với công việc hoạch định chiến lược và quản lý dự án.
Mình chưa bao giờ làm cộng đồng nhưng giờ cắp vở đi học mới được mở mang rất nhiều thứ. Mình hình dung một cộng đồng (và rộng hơn là business của bạn) giống như một doanh nghiệp thực sự.
Để phát triển doanh nghiệp, những người dẫn dắt luôn cần xác định rõ ràng bức tranh tổng thể ngay từ đầu, giống y như Founder khi xây dựng cộng đồng vậy.
Xuyên suốt bài viết, mình sẽ sử dụng cộng đồng On Writing Daily (OWD) làm ví dụ. Dĩ nhiên tất cả là dự đoán của bản thân vì mình không thể biết được chị Linh đã vạch ra chiến lược như thế nào cho OWD.
Cùng bắt đầu nhé!
1. Purpose - Vision – Mission – Core Values
Trước hết, về mô hình “lý tưởng - tầm nhìn – sứ mệnh”, có những cách lý giải và sắp xếp thứ tự khác nhau, xoay quanh câu hỏi: Điều gì chi phối điều gì? Trong mô hình phổ biến nhất (trên ảnh), 3 yếu tố này chi phối lẫn nhau và cùng tạo nên giá trị cốt lõi.
Trong đó, purpose (lý tưởng) là điều đầu tiên, cần xác định trước, để từ đó xác định tầm nhìn và sứ mệnh.
Cả 3 yếu tố này, cùng với giá trị cốt lõi (core values) tạo thành Tuyên bố chiến lược – Strategy statement. Và đó là kim chỉ nam cho mọi khía cạnh của cộng đồng.
Lý tưởng (purpose):
Đây là câu hỏi quan trọng nhất cần được trả lời trước tất cả mọi điều khác: Vì sao chúng ta tạo ra cộng đồng của mình? Đó là “BIG WHY” – động lực tận sâu bên trong, thôi thúc chúng ta bắt đầu.
Lý do này thường xuất phát từ kỷ niệm cá nhân trong quá khứ, thành công, thất bại, bước ngoặt cuộc đời… Và vì thế, nó mới có thể đủ sức để bền bỉ dẫn dắt chúng ta đi qua những khó khăn sau này.
Lý tưởng, chính là động lực, là ngọn lửa âm ỉ cháy giữ nhiệt cho cả cộng đồng và founder.
Lý tưởng, thường bắt đầu bằng: BECAUSE…
Ví dụ: Lý tưởng – Purpose – Big Why của OWD (có lẽ) là vì Founder nhìn thấy rất nhiều bạn “vật lộn” với viết, trong khi viết là cách rất tốt để giải tỏa tâm lý, phát triển nội tâm, và … kiếm tiền.
Founder tin rằng vấn đề nằm ở tâm lý và cảm xúc. Và lý do sâu thẳm đằng sau việc tạo ra cộng đồng OWD là founder muốn giúp mọi người vượt qua điều đó.
Tầm nhìn (Vision):
Yếu tố này trả lời cho câu hỏi: bằng việc thành lập cộng đồng này, chúng ta muốn sau rất lâu, rất lâu nữa trong tương lai khi đã phát triển đủ lâu, đủ mạnh, cộng đồng sẽ trở thành điều gì? Như thế nào? Các thành viên sẽ trở thành những người ra sao? Bản thân chúng ta sẽ trở thành ai?
Tầm nhìn là để trả lời cho những câu hỏi: WHAT? WHO? WHEN? WHERE - đích đến của Founder, cộng đồng, và mỗi thành viên.
Hình dung cụ thể về đích đến này giúp ta chọn được hướng đi và kiên định bước tới trong suốt hành trình.
Tầm nhìn, thường được biểu trưng bằng động từ: BECOMING…
Ví dụ:
Vision của OWD (có lẽ) là trở thành một môi trường thân thiện, an toàn cho tất cả những người muốn phát triển kỹ năng viết nhưng vẫn chưa bước ra khỏi những nỗi sợ và niềm tin giới hạn (WHAT?).
Với thành viên, mọi người vượt qua được rào cản tâm lý, viết và bộc lộ mình, phát triển bản thân, yêu viết và tự tin với nó (WHO?).
Sứ mệnh (mission):
Yếu tố này để trả lời cho câu hỏi: từ “Big Why” trên, với tầm nhìn trên, chúng ta phải LÀM THẾ NÀO để đạt được tương lai đó? Nói cách khác, mission trả lời cho câu hỏi HOW TO?
Mission không phải các hoạt động cụ thể, mà là một (vài) hướng/cột trụ hoạt động quan trọng nhất, xuyên suốt cho cộng đồng.
Sứ mệnh thường được biểu trưng bằng động từ: WILL DO…
Ví dụ:
Mission của OWD (có lẽ) là cung cấp sự dìu dắt về tinh thần, hướng dẫn kỹ năng viết cho thành viên; tạo ra văn hóa đồng cảm, thấu hiểu, khích lệ trong cộng đồng.
Giá trị cốt lõi (Core Values):
Giá trị cốt lõi thường là các tính từ hoặc danh từ để mô tả về cộng đồng bạn hướng đến. Bạn muốn thành viên sẽ có cảm nhận như thế nào khi sinh hoạt trong cộng đồng? Giá trị cốt lõi được chi phối bởi Purpose – Vision – Mission của cộng đồng.
Ví dụ: Giá trị cốt lõi của OWD (có lẽ) là thân thiện, ấm áp, an toàn, tôn trọng, không phán xét, cởi mở, hỗ trợ, bền bỉ…
2. Tuyên bố chiến lược chi phối những gì?
Từ 4 yếu tố trên, chúng ta xác định được Strategy statement – Tuyên bố chiến lược.
Tuyên bố chiến lược về bản chất là sự hợp thành của 4 yếu tố ở mục 1. Trong các doanh nghiệp, từ tuyên bố chiến lược này, doanh nghiệp sẽ xác định chiến lược cụ thể cho một giai đoạn (thường là 5 năm), tầm nhìn sơ lược tới 10 năm hoặc xa hơn.
Với cộng đồng/business cá nhân, có lẽ chúng ta dừng ở chiến lược 1-2 năm, tầm nhìn cho 3-5 năm là phù hợp, theo quan điểm của mình.
Chiến lược có-thời-hạn này, sẽ được bổ ra thành các Mục tiêu – Goals & Objectives. Mục tiêu lại chia thành dài hạn, trung hạn, ngắn hạn.
Mỗi mục tiêu được chẻ nhỏ thành hoạt động - activities.
Ví dụ: OWD có một mục tiêu ngắn hạn là trong 6 tháng sẽ thu hút thêm khoảng 3000 thành viên. Vậy, sẽ có các hoạt động cụ thể cần được lên kế hoạch: Chia sẻ trên các cộng đồng khác và page cá nhân của founder, thực hiện thử thách A trong X ngày, ra mắt ebook về hướng dẫn viết, tổ chức 3 workshop…
Lưu ý: Sự chi phối này không chỉ xảy ra theo một chiều từ trên xuống, còn có sự ảnh hưởng ngược lại từ hoạt động tới mục tiêu, từ mục tiêu tới chiến lược.
Thông qua hoạt động hàng ngày, Founder tìm thấy thêm insight, từ đó có sự điều chỉnh chiến lược tùy tình hình thực tế. Và việc này cần được thực hiện thường xuyên, định kỳ hoặc khi có… biến!
Tất nhiên, sự điều chỉnh này thường chỉ tác động tới mức mục tiêu dài hạn hoặc chiến lược-có-thời-hạn, hiếm khi ảnh hưởng tới lớp phía trên. Vì khi đó, hướng đi của toàn bộ business (ở đây là cộng đồng) sẽ thay đổi.
3. Chiến lược và chiến thuật
Chiến lược (Strategic) và chiến thuật (Tactical) ở đây được dùng dưới dạng tính từ.
Từ Goals & Objectives trở lên, là những gì mang tính chiến lược - cần được xác định rõ ràng ngay từ đầu, chi phối xuyên suốt, trong thời gian dài.
Từ Goals & Objectives trở xuống, mang tính chiến thuật, nghĩa là tập trung cách thức, kỹ thuật, thủ thuật… có tính ứng biến cao.
Ở đây có sự giao nhau giữa chiến lược và chiến thuật ở dòng Mục tiêu (Goals & Objectives) là vì:
(i) Với mục tiêu đủ nhỏ, chúng được coi là một dự án, có kết quả mong muốn rõ ràng, thực hiện trong thời gian xác định (thường tính bằng tuần, tháng). Ở mức này, yếu tố chiến thuật được tập trung hơn.
(II) Với mục tiêu lớn, sẽ được coi là dự án lớn (ngôn ngữ chuyên ngành trong quản lý gọi là program, hoặc cao hơn nữa là porfolio), gồm nhiều dự án nhỏ. Ở mức này, yếu tố chiến lược được đặt cao hơn yếu tố chiến thuật.
---
Hai câu hỏi cuối cùng:
(1) Có nhất thiết phải xác định Strategy statement – Tuyên bố chiến lược cho business/cộng đồng không?
Có. Nhất định cần làm. Bởi nếu không, chúng ta không có cái neo nào làm điểm tựa, không biết vì sao mình đã bắt đầu, đích đến ở đâu, và phải làm gì để đến được đó.
Nếu không có Strategy statement, một business/cộng đồng có thể bắt nguồn từ cảm hứng, động lực nào đó, rất nhiệt huyết trong thời gian đầu nhưng khó đi được đường dài, Founder dễ lạc hướng và kiệt sức.
(Thực tế, kể cả có chiến lược đầy đủ bài bản, cũng vẫn có lúc lạc hướng và kiệt sức).
(2) Strategic hay Tactical quan trọng hơn?
Có nhiều ý kiến cho rằng, chiến lược quan trọng, chiến thuật thì không. Cá nhân mình không đồng ý với quan điểm này. Mình tin rằng, cả hai đều cần thiết.
Ví dụ:
Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam trong 10 năm tới là tập trung vào đào tạo trẻ, xây dựng các thế hệ kế cận nhau, có tư duy bóng đá hiện đại và thể lực vươn tầm khu vực. Mục tiêu là lọt vào World Cup sau đây 10 năm. (Đoạn này là mình giả định).
Trong giải vô địch Đông Nam Á sắp tới, chiến thuật là sử dụng 50% cầu thủ nhiều kinh nghiệm, 50% cầu thủ trẻ, để đồng thời hướng tới hai mục tiêu: Vừa bảo vệ chức vô địch, vừa rèn luyện cầu thủ trẻ.
Rõ ràng, chiến thuật này vừa đáp ứng chiến lược dài hạn, vừa giải quyết được mục tiêu ngắn hạn (tâm lý người hâm mộ, thành tích của Liên đoàn bóng đá VN... ). (Đoạn này cũng là giả định).
Chỉ tập trung vào chiến lược xa đôi khi khiến ta mất động lực ở hiện tại, làm mãi không thấy có kết quả để khích lệ bản thân và đồng đội.
Ngược lại, chỉ tập trung vào chiến thuật cho mục tiêu ngắn hạn sẽ dễ sa vào những chiến thắng nhỏ rời rạc, không đi theo một lộ trình để đạt được điều gì lớn trong tương lai, cuối cùng là… lạc hướng.
Mình sẽ kết thúc bài viết này bằng một “bí quyết” nhỏ.
Bạn hãy điền vào chỗ trống ở những câu sau. Đoạn văn bạn nhận được chính là tuyên bố chiến lược của cộng đồng/business bạn đang hướng đến:
Tôi tin rằng cộng đồng tôi tạo ra và vận hành là để… (Purpose).
Công việc chúng tôi sẽ thực hiện là… (Mission).
Khi làm vậy, chúng tôi sẽ trở thành… (Vision).
Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi sẽ chăm sóc và điều hành cộng đồng với… (Giá trị cốt lõi).
Chúc mọi người (bao gồm cả mình) sẽ tạo dựng được những cộng đồng đúng như mong ước!
Bài này được viết bởi bạn Tố Uyên, học viên lớp Facebook Comty K1 của CGL.
Thông tin về Tố Uyên:
Tố Uyên hiện là một PM (Project Manager) tại tập đoàn công nghệ phần mềm tại Việt Nam. Bạn có thể tìm Uyên tại:
+ Blog (về lãnh đạo và quản lý, học tập, bài học cuộc sống): https://inmetime.com/ + Fanpage: https://www.facebook.com/inmetime
CGL rất cảm ơn bạn Uyên vì bài chia sẻ đầy tâm huyết, ý nghĩa, mang tính thực tế cao dành cho những ai quan tâm xây dựng cộng đồng phục vụ kinh doanh, tiếp thị.
Ngoài ra, quý bạn đọc nếu có những chia sẻ liên quan xây dựng cộng đồng chuyên nghiệp, hãy liên hệ với Phượng. CGL sẽ chọn lọc những bài viết hay, ý nghĩa và phù hợp để đăng tải trên bản tin này, nhằm lan tỏa tri thức, tinh thần xây dựng cộng đồng chuyên nghiệp.
Bài viết giúp em nhìn rõ bức tranh tổng quát hơn để đối chiếu với business và cộng đồng của mình. Qua đó, em đã nhìn ra những lỗ hổng và thiếu sót cần được khắc phục. Điểm hay với em là cách hệ thống hoá dễ hiểu, ví dụ thực tiễn tốt, phần kết có thêm bài tập giúp người đọc thực hành ngay. Cảm ơn Tố Uyên và CGL rất nhiều ạ.