Phân tích case study Thử thách "Đào vàng 2"
Trải nghiệm "siêu đề" trong thử thách Cùng nhau đọc bản tin của CGL
Thử thách “Cùng nhau đọc bản tin - Đọc 1, Hiểu 10, Làm 11” được tổ chức nhằm hướng dẫn kỹ thuật đọc chuyên sâu để áp dụng thực tế kiến thức cộng đồng vào việc xây dựng và phát triển cộng đồng.
Thời gian: từ 22/4 đến 4/5 (từ khi mở đăng ký tham gia đến khi công bố kết quả)
Thể lệ: Người chơi sẽ đến thư viện vào giờ mở cổng mỗi ngày là 12h trưa để mượn sách. Sách được phân phát theo đề bài để giúp mọi người đọc hệ thống và hiệu quả hơn, thay vì bơi tự do trong kho tài nguyên của CGL.
Tài nguyên (thư viện): bản tin chuyên sâu về xây dựng cộng đồng commlab.vn
Nếu bạn lần đầu tiên nghe đến thử thách này, hãy điểm qua toàn bộ diễn biến và nội dung thử thách theo hashtag “Cgl11011”, “cungnhaudocbantin”. Hoặc bạn vào tab “Hướng dẫn” trên thanh menu dưới ảnh bìa để trải nghiệm toàn bộ đề.
Thử thách không phải là hoạt động “engagement” duy nhất nhưng là hoạt động dễ tạo ra tương tác, kết nối và tăng thêm mức độ gắn kết trong cộng đồng (nếu được tổ chức chuyên nghiệp, bài bản). Có thể nói, thử thách là "đặc sản" của CGL, mỗi thử thách do CGL tổ chức đều thu hút và mang lại "outcomes" thật sự chất lượng cho người chơi. "Cùng nhau đọc bản tin - Đọc 1, Hiểu 10, Làm 11" cũng là một thử thách mang đậm dấu ấn của CGL với những phản hồi rất tích cực từ những người tham gia.
Chia sẻ của bạn Hiệp Tiên, Digital Marketing Freelancer
“Một sự thay đổi mà e nhìn thấy ở bản thân sau thử thách này chính là khả năng lắng nghe, đồng cảm, và hiểu biết sâu sắc hơn về hành vi và nhu cầu của thành viên cộng đồng để rút ngắn cái “gap” giữa phục vụ kinh doanh nhưng vẫn phải luôn đặt việc trao giá trị là ưu tiên”.
Chia sẻ của bạn Zemo, Nghiên cứu sinh Đồng Ứng Trị Liệu
“Đây là 1 thử thách online đầu tiên mà em tham gia ( kể từ khi có face đến giờ ). Thử thách được đầu tư quá chỉnh chu và có chủ đích ở từng đề. Em đọc mỗi đề xong chỉ biết ồ thì ra là vậy...rất khâm phục đội ngũ quản trị viên của CGL ạ. Còn về phía người tham gia thì e phải nói là quá lời luôn í.”
Chia sẻ của chị Lily May, QTV cộng đồng Resilience Raise
“Với một thiết kế xâu chuỗi có chủ đích, cùng với sự hướng dẫn, gợi ý và kho tài liệu quý giá, người tham gia đã học hỏi được rất rất nhiều kiến thức bổ ích để xây dựng cộng đồng cho riêng mình”.
Chia sẻ của bạn Phương Thảo, Giám đốc kinh doanh
“Thật hạnh phúc vì mình đã hoàn thành thử thách 7 ngày, vô cùng khâm phục trí tuệ của chị Kim Phượng và các admin khác đã nghĩ ra thử thách siêu hữu ích. Đi qua 7 ngày này cũng cần can đảm và sự kiên trì lắm vì thời gian giải đề không phải là ngắn đối với mình. Nhưng mình cũng cố gắng làm chỉn chu nhất để có được kết quả từ chính thời gian mình bỏ ra”.
Chia sẻ của bạn Thanh Trúc, QTV cộng đồng Vì Bạn Là Kim Cương
“Mình tham gia thử thách ở CGL cuốn quá (chắc do thu hoạch được nhiều vàng và kết nối với nhiều anh chị có cùng quan tâm) nên cứ muốn tham gia mãi.”
Bản tin này sẽ không phân tích sâu về việc thử thách đã thành công ra sao bởi những phản hồi của người chơi đã là một sự bảo chứng rõ nét nhất. Thay vào đó, bản tin sẽ đi sâu phân tích 2 khía cạnh bao quát nhất và làm nên hiệu ứng tích cực của thử thách này (từ góc nhìn của một người quan sát bên ngoài cuộc chơi): sự thấu hiểu thành viên và tiêu chí SMART trong thiết kế thử thách.
*Hình ảnh công bố Thử thách “1.10.11” - Cùng nhau đọc bản tin
SỰ THẤU HIỂU THÀNH VIÊN (INSIGHT)
Sự thấu hiểu thành viên trong cộng đồng (hay thường được gọi là hiểu insight) đã được nhắc đến rất nhiều lần tại Community Growth Lab bởi tầm quan trọng hàng đầu của nó. Bất kể một nội dung, một hoạt động nào đưa vào cộng đồng đều nên bắt nguồn chính thành viên. Bất kể QTV hướng đến mục tiêu gì - tăng số lượng thành viên, tăng tương tác, tạo sự chuyển đổi, … - mục tiêu đó cũng cần phải đạt được thông qua việc tạo sự thỏa mãn và cảm giác phát triển cho thành viên.
Thử thách 1.10.11 cho thấy sự am hiểu tường tận của QTV đối với những thành viên trong cộng đồng:
1/ Thứ nhất, hiểu được thành viên đang đứng ở đâu trên hành trình phát triển bản thân mà trong trường hợp này là hành trình phát triển sự nghiệp liên quan tới cộng đồng. QTV không thể nào thiết kế một hoạt động nếu không biết thành viên của mình đang ở “level” nào. Thử thách 1.10.11 được thiết kế dành cho những người đang muốn tìm hiểu cộng động từ con số 0, những người muốn có một cộng đồng cho riêng mình nhưng không biết bắt đầu tìm hiểu từ đâu.
2/ Thứ hai, hiểu được những “nỗi đau" và mong muốn của thành viên - những gì họ muốn đạt được, những gì ngăn cản họ, gây khó khăn cho họ trên con đường đạt đến điều mình mong muốn. Rõ ràng, những người tìm đến với CGL đều có mong muốn tìm hiểu về cộng đồng, đều ấp ủ dự định thành lập cộng đồng. NHƯNG họ không biết phải bắt đầu tìm hiểu từ đâu giữa biển thông tin trong hệ sinh thái Community Growth Lab hoặc họ tiếp nhận thông tin chưa đủ sâu, chưa thể chiêm nghiệm và ứng dụng cho chính mình. Thử thách 1.10.11 là điểm bắt đầu quá hoàn hảo để giải quyết “pain point” này. Thông điệp của thử thách đã thể hiện rất rõ cách thức giải quyết vấn đề bằng cách tham gia thử thách:
1 có thể là: 1 phiên đọc, 1 trang đọc, 1 bài viết bản tin…
10 Hiểu: Chiêm nghiệm và đúc kết 10 bài học nhỏ/ghi chú/điều ấn tượng (sẽ có hướng dẫn để người chơi hoàn thành nhiệm vụ)
11 = {10 Hiểu + 1 làm} 1 điều bạn sẽ thực hành ngay (có thể là yêu cầu đề bài)
“SMART” TRONG THIẾT KẾ THỬ THÁCH
Tiếp sau điểm xuất phát từ insight thành viên, điều làm nên thành công của thử thách 1.10.11 chính là toàn bộ quy trình thiết kế thử thách chặt chẽ, logic, truyền cảm hứng tham gia từ những chi tiết nhỏ nhất. Hãy cùng phân tích rõ hơn về case study này thông qua bộ tiêu chí SMART.
SPECIFIC - Tính cụ thể
Như đã đề cập từ đầu bài, thử thách 1.10.11 được thiết kế nhằm cầm tay chỉ việc hướng dẫn kỹ thuật đọc, để áp dụng thực tế kiến thức cộng đồng vào việc xây dựng và phát triển cộng đồng. Và để thực thi được cũng như thực thi hiệu quả mục tiêu đó, thử thách đã được thiết kế vô cùng cụ thể, chi tiết để bất cứ người chơi nào cũng có thể thực hiện.
WHAT: nhiệm vụ chính sẽ là đọc bản tin và làm nhiệm vụ mỗi ngày. Việc đọc bản tin nào (tuỳ chọn hay chỉ định), làm nhiệm vụ như thế nào, outcomes là gì đều được nêu rõ trong mỗi chỉ dẫn.
WHEN: 12 giờ trưa mỗi ngày nhận đề và người chơi có 24 giờ để hoàn thành nhiệm vụ trước khi đề tiếp theo được thông báo. Hoàn thành trong thời hạn, người chơi được cộng điểm, nếu không, vẫn có thể giải đề tiếp theo với điều kiện đã hoàn thành đề trước
WHERE: đọc “sách" tại bản tin commlab.vn và làm nhiệm vụ tại Facebook Group Community Growth Lab
WHY: Toàn bộ 7 hướng dẫn liên kết chặt chẽ với nhau đưa người chơi đi từ tổng quan đến chi tiết, từ những kỹ năng đọc đến đào sâu vào chuyên môn cộng đồng, từ tiếp nhận thông tin một cách thụ động đến chủ động chiêm nghiệm và ứng dụng vào cộng đồng của chính mình (cho dù nhiều cộng đồng chỉ mới nằm trong tưởng tượng của người chơi).
WHO: tất cả thành viên CGL có mong muốn tìm hiểu về xây dựng cộng đồng phục vụ tiếp thị, kinh doanh dựa trên cảm giác thuộc về đều có thể tham gia. Rào cản tham gia cực kỳ thấp cũng chính là một “điểm cộng" của thử thách này, bởi ngay cả những thành viên mới vừa “chân ướt chân ráo" bước vào cộng đồng cũng có thể tham gia và nhận được giá trị từ thử thách.
MEASURABLE - Có thể đo lường
Xét về mặt định lượng, người chơi sẽ luôn biết được mình:
Đã đọc bao nhiêu sách
Đạt được bao nhiêu điểm (thông qua file “tracking real time”)
Thực hiện được bao nhiêu nhiệm vụ (số lượng từ khoá, câu trích dẫn, bài học, …)
Nhận được phản hồi từ những người chơi khác cũng như từ các thành viên cộng đồng như thế nào thông qua các lượt tương tác
…
Xét về mặt định tính, bản thân người chơi sẽ nhận thấy được sự tiến bộ của mình mỗi ngày không chỉ về mặt kỹ năng đọc mà còn về kiến thức chuyên môn cộng đồng
Đọc có chủ đích, có hệ thống hơn và hiệu quả hơn nhờ những kỹ năng đọc được chia sẻ trong mỗi hướng dẫn.
Chiêm nghiệm, rút ra bài học và ứng dụng được ngay vào quá trình lên kế hoạch cho chính cộng đồng của mình.
Học thêm được những góc nhìn mới lạ, những cách tiếp cận khác nhau từ những người cùng chơi.
ACHIEVABLE - Khả năng thực hiện
Đối với mỗi thử thách, trước khi tổ chức để các thành viên trong cộng đồng tham gia, QTV cần đánh giá tính khả thi hay khả năng thực hiện của người chơi. Tính khả thi của thử thách 1.10.11 thể hiện rõ qua 5 yếu tố sau (và hoàn toàn có thể áp dụng cho các thử thách khác trong cộng đồng bạn).
Tính dễ hiểu: các nội dung truyền thông cho thử thách và các nội dung tương tác liên quan (nội quy, thông báo cập nhật, …) liên tục được đưa ra để đảm bảo người chơi hiểu về thử thách, thể lệ, luật chơi, …
Khả năng tiếp cận với số đông thành viên: như đã phân tích ở trên, thử thách phù hợp với đại đa số thành viên CGL - những người đang muốn tìm hiểu về xây dựng cộng đồng nhưng không biết bắt đầu tìm hiểu từ đâu
Rào cản tham gia: người chơi thử thách 1.10.11 không cần phải có kỹ năng đặc biệt gì, không cần phải chuẩn bị gì ngoài tâm thế nghiêm túc, cầu thị và cởi mở khi tham gia thử thách.
Sự hứng thú của thành viên: vốn dĩ, khi thử thách đánh trúng vào pain point của thành viên, sự hứng thú bước đầu đã hình thành. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ của thử thách có độ khó tăng dần (tính gamification), làm tăng sự kích thích và mong muốn chinh phục của các thành viên. Hai yếu tố đó tạo ra và duy trì sự hứng thú cho thành viên từ đầu đến cuối chương trình.
Sự sẵn sàng của QTV: QTV không cần phải có mặt 24/24 trên cộng đồng nhưng trong thời điểm diễn ra thử thách, sự có mặt và luôn sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ của QTV là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một thử thách. Trong thử thách 1.10.11, team BQT đã đồng hành liên tục cùng người chơi, theo dõi tiến độ, nhắc nhở, cổ vũ tinh thần và tương tác thường xuyên để truyền năng lượng và cảm hứng cho người chơi.
REALISTIC - Tính thực tế
Một thử thách sẽ khó có thể thành công nếu thiếu đi tính thực tế. Nếu người chơi không đủ thời gian, nguồn lực, phương tiện hỗ trợ, … thì không thể theo đuổi đến cùng một thử thách (tỉ lệ hoàn thành thử thách 1.10.11 là 75%). Về mặt này, thử thách 1.10.11 đã tính đến và tạo điều kiện tối ưu nhất cho người chơi:
Tặng ngay cho người chơi 7 ngày trải nghiệm bản tin có trả phí của CGL
Thời gian “làm nhiệm vụ" linh hoạt, 24h hoặc 48h tuỳ thuộc vào độ khó của đề và lịch sinh hoạt của người chơi (ngày lễ, ngày nghỉ, …)
Luôn đảm bảo chính xác thời gian để người chơi nắm bắt và chủ động sắp xếp thời gian tham gia.
Người chơi được phép giải đề theo nhịp độ và thời gian biểu của mình chứ không bắt buộc tuân thủ 100% yêu cầu của thử thách.
TIME BOUND - Giới hạn thời gian
Thử thách có thời gian bắt đầu và kết thúc, mỗi nhiệm vụ đưa ra đều đi kèm với thời hạn cụ thể cũng như mức điểm tương ứng. Việc đặt người chơi vào một khung giờ cụ thể kèm với tính cạnh tranh về mặt điểm số giúp người chơi vượt qua được sự trì hoãn và có động lực hoàn thành sớm thử thách.
*Hình ảnh tổng hợp các cộng đồng của người chơi, tham gia “1.10.11”
Từ case study này, chắc hẳn bạn sẽ rút ra được nhiều bài học để áp dụng cho chính thử thách trong cộng đồng mình. Nếu bạn có những góc nhìn, những cảm nhận khác về thử thách này, hãy để lại bình luận bên dưới nhé.
Bài phân tích của bạn Hoàng My - Trợ lý cộng đồng và moderator năng động nhất ở CGL
Điểm tin tuần này:
CGL chính thức khai giảng lớp Trợ lý cộng đồng - Học cộng đồng từ vỡ lòng K2.
Lớp học phù hợp với:
- Dân văn phòng muốn có thêm nghề tay trái
- Dân freelancer muốn phát triển thêm một nghề nghiệp xu hướng
- Người mong muốn xây dựng cộng đồng để gia tăng THCN, phát triển sự nghiệp kinh doanh chuyên môn
- Người có định hướng trở thành comty builder, yêu thích công việc admin, cộng đồng
- Người có nhu cầu phát triển bản thân, tìm hiểu lĩnh vực mới mang lại nhiều giá trị và ý nghĩa
- Người làm sáng tạo nội dung, đặc biệt quan tâm nội dung cộng đồng.
Ngoài ra, CGL cũng sắp cho ra mắt những hoạt động bổ ích khác dành cho thành viên quan tâm xây dựng cộng đồng, phục vụ kinh doanh, tiếp thị dựa trên cảm giác thuộc về.
Hẹn gặp lại bạn trong bản tin tuần sau.