Phân tích case study Thử thách “KPI challenge: Trồng cây bi ai - ít sai sẽ được thưởng”
Một thử thách đưa người chơi đi từ bất ngờ này sang thú vị khác và cuối cùng gặt hái nhiều thành quả.
Hoạt động “KPI challenge” tại cộng đồng Community Growth Lab vừa khép lại trong niềm hân hoan của các thành viên cả mới lẫn cũ. Bởi khi bước ra từ thử thách ai ai cũng đã chinh phục được cây bi ai của riêng mình một cách xuất sắc.
Thử thách được tổ chức nhằm mục đích: giúp người chơi vào vai trợ lý cộng đồng, cụ thể là đảm nhận đầu việc thiết kế hình ảnh cho toàn bộ nội dung cộng đồng. Tại đây, bạn sẽ là người đầu tiên được nghe chia sẻ ý tưởng (brief ảnh), người đầu tiên đọc được những chiến lược, kế hoạch của sếp.
Ví dụ tại cộng đồng CGL, chị Hoàng My là người đầu tiên được nghe chia sẻ về những ý tưởng, chiến lược từ chị Chính sau đó sẽ bắt tay vào thiết kế hình ảnh cho hầu hết các hoạt động của phòng lab.
Và để lên đúng thiết kế, thì người trợ lý sẽ được nghe kể và hiểu rõ chữ “Why” đằng sau những nội dung mang tính chiến lược ấy. Đây chính là cách học và giúp bạn nâng cấp chuyên môn cộng đồng rõ rệt song song với kỹ năng thiết kế và làm việc nhóm.
Thời gian trồng cây tại vườn: từ ngày 7/11 - 14/11/2024
Người chơi sẽ trải qua 7 ngày sáng tạo hình ảnh lẫn nội dung dưới sự dẫn dắt của chị Chính.
Đối tượng phù hợp trồng cây bi ai:
Là những bạn:
Sắp thành lập cộng đồng
Tìm hiểu về nghề nghiệp mới: trợ lý cộng đồng
Mong muốn được cơ hội đào tạo cộng đồng từ vỡ lòng
Thích khám phá, trải nghiệm học tập thông qua thử thách cộng đồng
Nếu bạn mới đến phòng lab, hoặc lần đầu biết đến thử thách và muốn hoá thân vào vai trợ lý cộng đồng, mời bạn vào tab “Hướng dẫn” trên thanh menu dưới ảnh bìa hoặc tìm kiếm theo hashtag “kpichallenge” để trải nghiệm vị trí trợ lý thực tập tại CGL nhé.
Không phải ngẫu nhiên mà thử thách của CGL luôn được yêu thích và nhận về nhiều sự hưởng ứng tích cực từ thành viên. Vậy đâu là yếu tố then chốt đã làm nên thành công của những thử thách này? Trong bản tin hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu rõ hơn case study “KPI Challenge” thông qua mô hình K-P-I.
Mô hình K-P-I
KPI là viết tắt của Key Performance Indicator - cụm từ đã không còn xa lạ đối với hầu hết các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Đây là chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả công việc có thể đo lường được, là cơ sở để xác định xem hoạt động của bạn có đang đi đúng hướng và đạt được kết quả như kỳ vọng hay không.
Theo Peter Drucker - người được mệnh danh là “cha đẻ” của Quản trị Kinh doanh Hiện đại (Father of Modern Management), từng khẳng định: “Cái gì không đo lường được thì không quản trị được; cái gì không đo lường được thì cũng không cải tiến được”.
Vậy nên, việc thường xuyên phân tích chỉ số KPI trong các hoạt động sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về hiệu quả hoạt động của tổ chức, đồng thời giúp bạn nhanh chóng đưa ra những điều chỉnh, cải tiến kịp thời.
Ứng dụng K-P-I trong thiết kế hoạt động tại CGL
Key (K): Chìa khóa giúp thu hút sự chú ý của thành viên trong hoạt động trồng cây bi ai
Điểm cộng đầu tiên: Ngay bài công bố thử thách đã có một hoạt động chào sân mang tính gắn kết mạnh mẽ rất đúng với tinh thành sẻ chia khi sinh hoạt tại cộng đồng - “không ai bị bỏ lại phía sau” của CGL, đó là: người chơi sẽ tag tên đồng đội mà bạn muốn đồng hành cùng hoặc những thành viên mà bạn muốn rủ rê tham gia. Nếu những bạn được tag tên đều “say yes” thì bạn sẽ được cộng điểm tương ứng với số lượng bạn bè đồng ý trồng cây.
Điểm cộng thứ hai: Khả năng dẫn dắt hoạt động khéo léo, tài tình của chị Chính. Từ đề bài 3.5, nhằm giúp thành viên có những tiếp cận mới và làm quen với thiết kế trên công cụ Canva, chị Chính đã ghép cặp để nhóm thạo việc hơn hỗ trợ thêm cho nhóm cây newbie. Như vậy, nhóm thạo việc có cơ hội trải nghiệm hướng dẫn lại cho các bạn cây những kỹ năng mà họ tạm đã thạo. Nhóm bạn mới sẽ được kết nối, học hỏi từ những bạn cũ. Vì vậy, sẽ giúp tất cả cây tại vườn đều phát triển. Đây cũng là cơ hội để các thành viên mở rộng kết nối và đoàn kết với nhau nhiều hơn.
Điểm cộng thứ ba: KPI Challenge là hoạt động có nhiều thành viên bên ngoài group được bạn bè rủ rê tham gia vào CGL để chơi thử thách. Tuy là thành viên mới toanh nhưng các bạn đã nhanh chóng hoà nhập và tham gia rất năng nổ, nhiệt tình. Một điểm thú vị nữa đó là, top những bạn nộp bài sớm nhất trong xuyên suốt 7 ngày gần như là những thành viên mới ấy. Vậy nên, đã để lại trong mình nhiều ấn tượng sâu sắc và vô cùng ngưỡng mộ tinh thần nghiêm túc và tốc độ giải đề của các bạn.
Điểm cộng thứ tư - Concept thú vị: Hầu như trong mọi hoạt động chị Chính đều mang vào đó một câu chuyện độc đáo vừa mang tính giải trí vừa lồng ghép yếu tố educational. Nhằm giúp thành viên cảm thấy không bị nhàm chán, “vừa học vừa chơi” như vậy sẽ tạo được động lực, tinh thần hăng hái khi tham gia và mong muốn được là một phần trong câu chuyện đó.
Chẳng hạn như mình - người chơi “lâu năm” tại CGL, đa số trong các thử thách đã tham gia mình gần như hoá thân 100% vào câu chuyện. Khi thì thợ đào vàng, khi thì bác nông dân làm vườn, người đi gieo hạt, hay đóng vai “sói đi soi bài” của bạn khác,... Ở mỗi hoạt động đều để lại trong mình những cảm xúc riêng, khó phai và cảm giác thuộc về. Đây chính là thỏi nam châm thu hút sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của thành viên trong mọi hoạt động của cộng đồng - hoạt động nào cũng diễn ra sôi nổi, và mang lại hiệu quả vượt ngoài mong đợi.
Điểm cộng thứ năm: Hình ảnh ấn tượng, truyền tải thông điệp rõ ràng, có tính CTA mạnh mẽ
Bên cạnh yếu tố chuyên môn, chất lượng nội dung được đánh giá cao thì phần hình ảnh của CGL cũng nhận về nhiều lời khen, sự thích thú và yêu mến của khách hàng, thành viên. Điều này đã góp phần tạo nên thành công chung cho mọi hoạt động trong cộng đồng.
Trong KPI Challenge, yếu tố hình ảnh đã ghi điểm tuyệt đối với người chơi, bởi sự duyên dáng trong cách thiết kế: vừa truyền tải thông điệp rõ ràng, vừa bắt mắt, thu hút người xem nhưng vẫn giữ được bản sắc, phong cách riêng của CGL - ai ai cũng nhận diện được màu sắc chủ đạo và linh vật của cộng đồng.
Performance (P) - Kết quả nhận được vượt ngoài mong đợi
Đầu ra của thử thách chính là giúp người chơi vào vai trợ lý cộng đồng, làm quen và thực hành thành thạo các đầu việc thiết kế hình ảnh cho toàn bộ nội dung cộng đồng.
Với tình huống giả định là thiết kế hình ảnh truyền thông cho sự kiện sinh nhật CGL tròn 2 tuổi. Tại đây các bạn sẽ được thực hành từng bước theo hướng dẫn của chị Chính qua từng đề bài. Từ cách đặt câu hỏi cho một bảng brief hình ảnh cần có để đi đến khâu hoàn thiện toàn bộ source ảnh sinh nhật để phục vụ cho mục đích truyền thông.
Bên cạnh mục đích chính là phát triển kỹ năng chuyển thể văn bản lên hình ảnh thì thử thách còn cung cấp các kiến thức giúp người chơi hiểu được phần nào các công việc cần làm trước sự kiện, cũng như cách brainstorm ý tưởng cho một sự kiện, cách truyền thông như thế nào để tạo được hiệu quả tối ưu nhất.
Một điểm đặc biệt khác ở thử thách đó là hơn một nửa người chơi là thành viên vừa mới vào nhóm, nên đa số các bạn đều cảm thấy chưa quen với văn hoá của cộng đồng cũng như cách giải đề. Vì vậy, ở những ngày đầu các bạn còn khá bối rối trước nhiệm vụ thiết kế hình ảnh - không biết làm sao để tạo nên một bức ảnh phù hợp.
Nhanh chóng nhận thấy những khó khăn ấy, chị Chính đã đưa ra những điều hướng mới là ghép cặp (thành viên cũ - thành viên mới) cùng đi với nhau từ ngày 3.5. Sau nhiệm vụ, các nhóm đã phối hợp cực kỳ nhịp nhàng và ăn ý, cùng nhau hướng dẫn thiết kế, chỉnh sửa rất nhiều lần nhưng kết quả nhận về là vô cùng xứng đáng. Đã giúp các bạn từ không biết sử dụng Canva đến hiểu và thực hành trôi chảy các thao tác cơ bản trên công cụ để hỗ trợ cho việc giải đề.
Bên cạnh những kiến thức chuyên môn, trải nghiệm thực tế cùng phần quà tặng hấp dẫn, người chơi còn nhận được đáp án từ chị Chính qua email theo đề bài tương ứng (chỉ áp dụng với những bạn trực tiếp tham gia KPI challenge), và phần nhận xét, góp ý chung từ giám khảo khách mời Yến Hoàng ở cuối thử thách. Nhằm giúp các bạn cây nhìn lại hành trình của chính mình, so sánh đối chiếu với những nhận xét từ ban giám khảo để rút ra bài học cho riêng mình.
Ngoài ra, thông qua hoạt động ghép cặp còn giúp người chơi mở rộng kết nối, tăng tính tương tác với thành viên khác, để không ai cảm thấy “bị lạc lõng” tại vườn. Đây cũng yếu tố góp phần cổ vũ người tham gia, tạo động lực để các bạn kiên trì chinh phục thử thách, và luôn cảm thấy hào hứng khi sinh hoạt tại phòng lab.
Indicator (I): Thành quả thu hoạch được từ người chơi
Những quả ngọt mà các bạn đã mang về sau hoạt động trồng cây là vô cùng thiết thực và rất đáng tự hào. Chỉ với 7 ngày, nhưng các bạn đã nhận ra được sự tiến bộ vượt bậc của chính mình như là quả ngọt từ bạn:
1. Bạn Phạm Quyên
Điều quý giá nhất mình nhận được chính là sự kiên trì. Thử thách giúp mình nhận ra sức mạnh từ những việc nhỏ được làm đều đặn mỗi ngày sẽ đem lại những giá trị rất to lớn cho mình về sau.
2. Bạn Nguyen Thi Mai Phuong
Sau 7 ngày trải nghiệm, "quả" lớn nhất mình thu hoạch được chính là sự kết nối chân thành với những người bạn trẻ đầy tài năng và linh hoạt. Mỗi người mang một màu sắc, phong cách và cá tính riêng, nhưng tất cả đều nhiệt tình và tràn đầy năng lượng. Chính sự nhiệt huyết này đã giữ cho ngọn lửa cộng đồng luôn cháy, tạo nên một môi trường đầy cảm hứng.
Mình có cơ hội khám phá ‘kỹ’ hơn về thiết kế trên Canva và các từ chuyên ngành trong lĩnh vực thiết kế sự kiện. Trước đây, mình chỉ làm theo cảm tính và tự mò mẫm, nhưng qua thử thách này, mình đã nhận ra phong cách yêu thích của mình là sự đơn giản và rõ ràng (nhờ phần chữa bài của em Xuyên và sáng tác "đầy tính trẻ con" của mình, hehe).
Bên cạnh đó, còn được "hé mở" cánh cửa vào công việc của một trợ lý cộng đồng - đầy tiềm năng và thú vị mà trước đây mình chưa từng biết đến.
3. Bạn Luna Nguyen
Hiểu được content tổ chức một sự kiện sẽ như thế nào. Hiểu được một số nguyên tắc trong làm hình ảnh sự kiện: nhất quán, đơn giản, những thông tin cần thiết trên một bức ảnh. Kỹ năng làm hình ảnh sự kiện.
4. Bạn Lê Hà Xuyên
Đầu tiên phải kể đến là việc được luyện tay nghề thiết kế cho sự kiện với những hướng dẫn từng ngày rất chi tiết. Hoàn thành xong chuỗi thiết kế thì mình cũng có thêm một bồ kinh nghiệm để tiếp tục dùng cho những lần sự kiện sau.
Tiếp đến chắc chắn là việc được kết nối với những người bạn mới vô cùng dễ thương, nhiệt tình, ham học hỏi và chăm chỉ nữa. Bởi vậy, mình đã học thêm được rất nhiều từ tinh thần và sự nghiêm túc tham gia thử thách của các bạn.
Ngoài ra, ở thử thách lần này mình còn được trải nghiệm những điều rất đặc biệt, như là đồng hành, hướng dẫn, hỗ trợ bạn cùng chơi chỉnh hình thiết kế. Một hoạt động rất thú vị, ý nghĩa và mang đến nhiều niềm vui, động lực cho mình.
5. Bạn Lương Trần Kiều Vân
Quả ngọt đầu tiên là em đã học được cách kiên trì và bám sát mục tiêu đến cùng. Cảm giác hoàn thành mỗi ngày giúp em cảm nhận được giá trị của sự nỗ lực.
Quả ngọt thứ hai, em học hỏi được phần nào công việc của một trợ lý cộng đồng - thật sự rất thú vị.
Quả ngọt thứ ba, chắc là đã vào đúng “ổ” dành cho mình nên em hoạt ngôn hẳn.
Quả ngọt thứ tư, em được biết thêm nhiều bạn mới, quan sát được thêm nhiều phong cách thiết kế cũng như cách làm nôi dung.
6. Bạn Lumi Ngo
Biết được những nhiệm vụ thiết kế khi tổ chức sự kiện trong vai trò trợ lý cộng đồng.
Trong đó chia các đầu việc nhỏ như là đặt câu hỏi để làm brief, trình bày lên thiết kế, mời khách tham dự sự kiện… Làm sao để thiết kế vừa đẹp mắt vừa trình bày đủ thông tin, đơn giản không rườm rà truyền đến thành viên cộng đồng.
Không thể thiếu chính là làm quen với các thành viên mới, được cập nhật những điều mới từ họ.
7. Bạn Lương Thanh Nga
Cơ hội được ôn tập lại các kiến thức về thiết kế cơ bản mà mình đã được học cùng cô Yến.
Cơ hội được mở mang tầm mắt trước các phong cách thiết kế, tư duy và cách đặt câu hỏi, cách brainstorm cùng với muôn kiểu chạy sự kiện khác nhau của các bác nông dân làm vườn.
Cơ hội “vừa học vừa hành” khi mình đang cố gắng giải các bài tập của khóa học thiết kế, sau đó lại chạy đến vườn nhận “quả hành” của chị Chính rồi mày mò thêm nữa xíu nữa.
Cơ hội được nhìn nhận, đánh giá lại phong cách thiết kế của chính mình. Và đây cũng là lúc mình bắt đầu thẩm thấu dần những kiến thức đã được học sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ thiết kế ảnh countdown cho sự kiện. Mình nhận ra “xì tai” thiết kế của bản thân còn nhảy tưng tưng như điện tâm đồ. Nhưng đây cũng là dịp để mình thanh lọc, cắt tỉa, giữ lại những gì phù hợp với bản thân và từng bước định hình phong cách thiết kế cho thương hiệu của riêng mình.
Trên đây là những phân tích về thử thách KPI Challenge dựa trên công cụ K-P-I. Hy vọng với những bài học nhỏ được rút ra từ case study này sẽ giúp bạn có thêm những góc nhìn mới trên hành trình làm cộng đồng cũng như phát triển bản thân bạn nhé.
Bài viết từ bạn Lương Thanh Nga - Moderator năng động tại CGL
Điểm tin tuần này
Chính thức mở link đăng ký Workshop “Từ sao sao đến Ồ Wow - Hậu trường sáng tạo nội dung lẫn hình ảnh của Quản trị viên cộng đồng”, do Community Growth Lab (CGL) và Sống dai cùng Design (SDCD) kết hợp tổ chức vào 9h30 Thứ sáu, 22.11.2024
Nhanh tay đăng ký để sở hữu chiếc vé Early bird trước khi cổng đăng ký khép lại trong vòng 16 tiếng nữa bạn nha.
Hẹn gặp lại bạn ở bản tin tuần sau.