Tâm lý học của sự kiệt sức khi người kết nối cũng cần được kết nối
Chăm vườn thật để hiểu khu vườn cộng đồng
Nhiều khách hàng, học viên của CGL tâm sự rằng: họ từng nghĩ làm cộng đồng là làm cho người khác. Nhưng sau nhiều năm trồng vườn (nghiên cứu rất nhiều mẫu cộng đồng khác nhau), mình đúc rút được: không gian cộng đồng đầu tiên cần được chăm sóc là chính bản thân mỗi quản trị viên ~ khu vườn nội tâm, nơi chứa những hạt giống của động lực, kết nối, sự tử tế và bền bỉ.
Giống như một khu vườn thật, khu vườn nội tâm cũng có mùa vụ, có hạn hán, có sâu bệnh và cần đất tốt, cả những lúc phải nghỉ để hồi phục.
Một người quản trị cộng đồng nếu quên tưới tắm khu vườn của chính mình, sớm muộn cũng cạn kiệt năng lượng.
Dựa trên thuyết Tự Quyết (Self-Determination Theory – Ryan & Deci, 2000), cùng những quan sát từ các case studies cộng đồng thực tế, CGL hệ thống hóa 5 yếu tố nền để vun bồi cho khu vườn nội tâm là: Tự chủ, năng lực, kết nối, ý nghĩa, hồi phục.
1/ TỰ CHỦ (Autonomy): Bạn có được làm điều bạn tin không?
Cây chỉ lớn nếu được trồng nơi nó hợp đất. Con người cũng vậy. Người quản trị cộng đồng cần cảm thấy mình được chọn lựa, được sống đúng giá trị cốt lõi. Nhưng trong thực tế, bạn dễ bị kéo về phía KPI, yêu cầu của thành viên, áp lực từ ban điều hành, cộng sự. Bạn dần trở thành người chạy deadline, không còn là người gieo hạt.
Theo nghiên cứu từ Đại học Rochester, khi cảm giác tự chủ giảm, động lực nội tại cũng tiêu tan, bạn không còn thấy vui khi làm điều mình từng yêu.
Cách bạn trở lại với tự chủ:
+Viết lại ranh giới cộng đồng: điều gì là bạn làm, điều gì là bạn không cần/phải làm.
+Lắng nghe chính mình trước khi nghe người khác: “Mình thực sự muốn gì?”
+Dành không gian để nhắc lại giá trị cốt lõi bạn xây dựng cộng đồng này từ đầu.
2/ NĂNG LỰC (Competence): Bạn có cảm thấy mình đang tiến bộ?
Quản trị cộng đồng là một nghề khó đo lường. Nhiều người làm rất nhiều, nhưng không cảm thấy tiến bộ, vì không có ai công nhận, không có bảng điểm cụ thể, không có thành tích hiển hiện. Cảm giác đó dễ dẫn đến hội chứng kẻ giả mạo (Imposter Syndrome), nơi bạn luôn thấy mình chưa đủ, dù bạn đã làm hết sức.
Theo nhà tâm lý học Carol Dweck, cảm giác tiến bộ không đến từ “thành tích to lớn” mà đến từ việc nhận ra bản thân hôm nay tốt hơn hôm qua. Một bước nhỏ cũng tính là tiến.
Cách bạn nuôi dưỡng và phát triển năng lực:
+Viết nhật ký “điều mình đã làm được” mỗi tuần, dù chỉ là một buổi gọi video chất lượng với thành viên.
+Ghi nhận sự phát triển bên trong (bạn học gì? bạn thay đổi điều gì?) thay vì chỉ đo bằng số. Chọn một kỹ năng vi mô để rèn giũa mỗi quý: Ví dụ, quý này chỉ học sâu về “cách đặt câu hỏi mở” hay “tạo nhịp sự kiện có chủ đích”. Điều này giúp bạn cảm thấy có tiến bộ rõ rệt, không bị choáng ngợp.
+Tham gia cộng đồng chuyên môn nơi bạn không phải là người cầm lái mà là người học. Ví dụ: CGL luôn là điểm tựa và nguồn cảm hứng, sạc pin cho những quản trị viên cộng đồng khác.
+Quan sát lại những khoảnh khắc cộng đồng “chạm sâu” và phân tích: Tại sao khoảnh khắc đó lại ý nghĩa? Mình đã làm gì đúng? Việc này giúp bạn biến trực giác thành năng lực có thể lặp lại.
+Thường xuyên kết nối 1:1 với một vài thành viên cốt lõi, không vì mục tiêu nào cả: Những cuộc trò chuyện không mục đích thường gieo được nhiều insight nhất, cả cho bạn và cho thành viên.
+Tự tạo “nhóm phản hồi” gồm 3 đến 5 người bạn tin tưởng để chia sẻ những lần mắc kẹt: Họ có thể là đồng nghiệp, cố vấn, hoặc thành viên kỳ cựu. Nhóm này giúp bạn không bị mắc kẹt một mình trong vai trò “người luôn phải mạnh mẽ”.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm hiểu các chương trình học tập chuyên môn cộng đồng của CGL với đa dạng các nhu cầu và giai đoạn xuất phát của quản trị viên để nâng cao năng lực quản trị và phát triển cộng đồng.
3/ KẾT NỐI (Relatedness): Ai đang thật sự đồng hành cùng bạn?
Bạn đang ở giữa rất nhiều người nhưng có khi lại cô đơn nhất. Đó là nghịch lý quen thuộc của người làm cộng đồng. Tâm lý học thần kinh (Polyvagal Theory – Porges) chỉ ra: cơ thể con người cần sự kết nối để cảm thấy an toàn và hồi phục. Nếu bạn luôn là người “trao đi” nhưng không có nơi để “được nhìn thấy”, nội tâm bạn sẽ dần trơ lì, kiệt quệ.
Cách bạn chăm những kết nối thật, chất lượng:
+Tạo một “cộng đồng song song” nơi bạn là thành viên, không phải người dẫn dắt. Ví dụ, chính mình cũng cần thuộc về một cộng đồng, ngoài CGL còn là OWD. Sắp tới, mình dự định cho ra mắt khu vườn mới về chủ đề phát triển bản thân cho phụ nữ, có độ tuổi từ 30, 35 trở lên.
+Tham gia trở thành những co-founding của cộng đồng Bloom Once More tại đây.
+Gặp gỡ định kỳ một người làm cùng nghề, chỉ để chia sẻ, không cần mục tiêu học hỏi.
+Duy trì một nhóm nhỏ “tủ thuốc tinh thần”: 3–5 người bạn có thể nhắn tin thật lòng bất cứ khi nào cần. Ví dụ: team kiến của CGL gồm các bạn admin, moderator không chỉ gắn bó nhau vì công việc mà còn trở nên thân thiết từ những kết nối chân thành, tự nhiên nhất.
4/ Ý NGHĨA (Meaning): Bạn có biết tại sao mình vẫn đang làm điều này (cộng đồng hiện tại của bạn)?
Khi bạn mệt, hãy kiểm tra lại lý do chứ không chỉ kiểm tra lại lịch làm việc.
Người quản trị cộng đồng dễ bị cuốn vào các hoạt động hằng tuần đến mức quên mất lý do bắt đầu. Mà khi không còn lý do, mọi việc trở thành gánh nặng, không còn là hạt giống gieo trồng.
Theo Viktor Frankl, bác sĩ tâm thần học và tác giả "Man’s Search for Meaning": Con người có thể chịu đựng mọi hoàn cảnh nếu họ biết vì sao mình sống”
Cách bạn trở lại với ý nghĩa của việc xây dựng cộng đồng:
+Viết một tuyên ngôn cá nhân: “Tôi xây cộng đồng này vì…”
+Dành thời gian mỗi tháng để hỏi lại: “Mình có còn tình yêu với cộng đồng hiện tại không?” Tạm rời khỏi vai “người giữ lửa”, trở lại làm một người quan sát.
Thử lùi lại khỏi spotlight trong một hoạt động: không dẫn, không điều phối mà chỉ lắng nghe thành viên và xem cách cộng đồng “tự chạy”. Cảm giác khi bạn thấy cộng đồng vẫn sống, vẫn thở, vẫn tử tế… mà không cần bạn gồng mình, chính là lúc bạn nhận ra: thứ bạn gieo đã bắt đầu sinh sôi. Và đó là ý nghĩa.
+Trò chuyện với một “phiên bản cũ” của bạn - người từng khao khát tạo ra điều này.
Hãy viết một lá thư ngắn, từ bạn hôm nay gửi đến “bạn của ngày đầu tiên làm cộng đồng”. Viết xem bạn đã giữ được gì, mất gì, và đang tìm lại điều gì. Lá thư này là tấm gương phản chiếu lý do sâu xa khiến bạn vẫn còn ở lại.
+Tái định nghĩa sự thành công trong cộng đồng không chỉ bằng quy mô, mà bằng chiều sâu ảnh hưởng.
Một cộng đồng 100 người thật sự thay đổi được cách họ sống, họ kết nối, còn quý hơn một nhóm 10.000 người vô cảm. Khi bạn chuyển tiêu điểm từ “mình làm được bao nhiêu” sang “ai đang được biến đổi thật sự?”, bạn sẽ thấy lại được lý do vì sao mình chọn làm nghề này.
+Lưu lại những dòng cảm ơn sâu sắc từ thành viên, đó là ánh sáng giúp bạn đi tiếp. Tham khảo Nhật ký cộng đồng mình đã thiết kế trong Community Toolbox.
5/ HỒI PHỤC (Restoration): Bạn có để “đất” nghỉ không?
Cây không thể ra hoa quanh năm. Người cũng không thể sáng tạo liên tục mà không hồi phục. Theo nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), thiếu ngủ, thiếu nghỉ ngơi sẽ khiến vùng não điều khiển sự đồng cảm và linh hoạt (prefrontal cortex) giảm hoạt động rõ rệt, khiến bạn dễ phản ứng cực đoan, nóng nảy, hoặc đơn giản là… không còn muốn tiếp tục.
Khu vườn nội tâm cần khoảng lặng như đất cần thời gian tái tạo sau mùa vụ.
Cách bạn tạo chu kỳ nghỉ:
+Thiết kế mùa nghỉ cho cộng đồng: tháng nào sẽ không chạy chiến dịch, chỉ duy trì hiện diện nhẹ nhàng. Ví dụ: mình đã từng tuyên bố lịch nghỉ hè cho CGL vào năm 2024 để tạo một kỳ nghỉ cho chính đội ngũ quản trị và thành viên.
+Tạo một “ritual phục hồi”: chủ nhật tắt điện thoại, trồng cây, đọc sách, nấu ăn…
+Tập “đứng yên” mà không thấy có lỗi vì việc “nghỉ” là một phần của tăng trưởng.
Không phải ai cũng thấy khu vườn nội tâm của bạn nhưng ai cũng cảm nhận được nếu nó héo. Vì điều này sẽ được thể hiện qua giọng điệu nội dung, cách điều phối hoạt động, cách trò chuyện với thành viên…và tất cả những thứ bạn đặt để vào cộng đồng.
Người làm cộng đồng là người gieo hạt nhưng không gieo mãi nếu khu vườn nội tâm của chính mình không được nuôi dưỡng. Mỗi lần bạn dành thời gian tưới lại khu vườn trong mình, bạn cũng đang gieo một hạt mới cho cộng đồng bạn đang dẫn dắt.
Chăm vườn không phải để trưng trổ cho người khác thấy đẹp mà vì bạn xứng đáng sống trong một khu vườn xanh mát, tử tế, và bình an như thế. Đó là những cộng đồng được bạn chăm sóc, nuôi lớn không chỉ là chiến lược, công cụ mà bao trùm lên, xuyên suốt là tình yêu.
Điểm tin tuần này:
Hôm nay là ngày cuối để các quản trị viên cộng đồng nộp case study của chương trình Community Makeup.
CGL sẽ sớm công bố các cộng đồng được chọn cũng như mở đơn để mọi người có thể đăng ký tham gia xem chuỗi sự kiện bổ ích, thiết thực.
Hẹn gặp lại bạn vào tuần sau.