Tạo động lực cho thành viên tham gia thử thách trong cộng đồng
Kích thích và tạo động lực cho thành viên tham gia vào các hoạt động trong cộng đồng luôn làm đau đầu các quản trị viên. Vậy có nguyên tắc hay bí quyết nào để những việc này dễ dàng hơn không?
Tin vui là có. Đó là ARCS – Mô hình do ông John Keller đưa ra vào những năm 1980, tập trung vào những yếu tố giúp tạo động lực cho người học.
ARCS có 4 yếu tố chính đó là:
Attention – Tạo chú ý
Relevance – Liên quan đến người tham gia
Confidence – Sự tự tin
Satisfaction – Sự thỏa mãn, hài lòng
Trong bài viết này, mình sẽ ứng dụng mô hình này vào bối cảnh thiết kế thử thách trong cộng đồng.
1. ATTENTION – TẠO CHÚ Ý
Để thành viên bắt đầu có động lực tham gia thử thách, bạn cần thu hút sự chú ý của thành viên nhờ vào việc kích hoạt sự tò mò và hứng thú của họ với thử thách của bạn trong cộng đồng.
Các gợi ý có thể tham khảo:
Kích hoạt những góc nhìn khác nhau của các thành viên về chủ đề bằng những thông tin mới mẻ, bất ngờ, những cách tiếp cận mới lạ.
Đặt ra những câu hỏi kích thích tư duy/tò mò của người tham gia, đưa ra những yêu cầu/câu hỏi/vấn đề cần giải quyết.
Cung cấp những lợi ích mà thử thách mang lại, các phần thưởng…Làm sao từ chối được học bổng vài chục triệu, vé tham gia workshop trong cộng đồng bạn quan tâm nhỉ?
Đa dạng hóa cách truyền tải các nhiệm vụ của thử thách như bài viết, video, thơ… và các thông tin/kiến thức mới trong thử thách.
2. RELEVANCE – LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI THAM GIA
Bên cạnh việc thu hút sự chú ý, thành viên tham gia cũng sẽ cần cảm nhận được những gì đang diễn ra trong thử thách này có liên quan đến bản thân họ, khớp với nhu cầu/vấn đề họ đang gặp phải và nó có ý nghĩa với bản thân họ. Vì thế, thử thách của bạn thiết kế cần tập trung vào nhu cầu và mục tiêu của người tham gia.
Nếu bạn đã từng tham gia các cộng đồng như Community Growth Lab (CGL), On Writing Daily (OWD), Những người làm freelancer (AFD)… bạn sẽ thấy các thử thách được đưa ra đều thu hút rất nhiều thành viên tham gia. Vì sao? Dĩ nhiên là khi đọc thử thách, thành viên tìm thấy cái họ cần, thấy tiếng lòng họ được ai nói hộ…
Các gợi ý có thể tham khảo:
Xác định mục tiêu cụ thể, mục đích của thử thách phù hợp với thành viên tham gia
Đảm bảo mục tiêu đưa ra phù hợp với nhu cầu của người học, có những lựa chọn phù hợp với bản thân họ. Từ đó giúp họ chủ động, thoải mái tham gia thử thách với mục tiêu cá nhân của mình và nhận về những tác động tích cực đến bản thân họ.
Cách đây 2 năm, mình đã từng bỏ cuộc khi tham gia thử thách Visible You khi việc chia sẻ trên trang cá nhân liên tục vượt quá sự thoải mái của bản thân. Lúc đó mình ước, giá mà có cách nào dễ chịu hơn cho những người chưa quen chia sẻ nhiều như vậy.
Trình bày nội dung dễ hiểu, có liên quan đến trải nghiệm và góc nhìn của thành viên, sử dụng từ ngữ thân thuộc với thành viên và cẩn trọng khi sử dụng thuật ngữ chuyên môn (Nếu cần phải sử dụng, bạn hãy cố gắng giải thích nó đơn giản và dễ hiểu nhất)
3. CONFIDENCE – TẠO SỰ TỰ TIN
Động lực của người tham gia sẽ tiếp tục được duy trì nếu họ đạt được những thành công nhất định trong quá trình tham gia thử thách. Và họ có khả năng quyết định thành công của bản thân. Chính những yếu tố này sẽ giúp thành viên thấy tự tin hơn khi tham gia thử thách của bạn.
Các gợi ý có thể tham khảo:
Đưa ra các hướng dẫn thực hiện và kết quả đầu ra kỳ vọng rõ ràng trong tất cả các nhiệm vụ của thử thách cho người tham gia, đi kèm với những ví dụ cụ thể để người học biết mình cần đạt được điều gì và tin rằng họ có thể làm được .
Thiết kế các nhiệm vụ có tính thách thức và có ý nghĩa với người tham gia để họ cảm thấy thành công khi hoàn thành các nhiệm vụ này. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc về độ khó và độ phức tạp của nhiệm vụ trong thử thách. Từ khóa là "vừa miệng từ góc nhìn của người tham gia".
Đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng và chỉ ra những điểm cần hoàn thiện phù hợp với bối cảnh của thành viên, sử dụng các câu hỏi chiêm nghiệm trong từng nhiệm vụ để thành viên tham gia có thể sử dụng được tố chất & nỗ lực của riêng họ để phát triển bản thân.
4. SATISFACTION – SỰ THỎA MÃN, HÀI LÒNG
Để tiếp tục duy trì động lực của thành viên sau khi tham gia thử thách, bạn sẽ cần giúp họ cảm nhận được mình đã đạt được kết quả và được hỗ trợ từ các khích lệ bên ngoài lẫn bên trong họ.
Các gợi ý có thể tham khảo:
Công bố giải thưởng, quyền lợi khác sau mỗi thử thách cho các thành viên. Một bài post ăn mừng, vinh danh người chiến thắng thử thách trong cộng đồng cũng đẩy được cảm giác thỏa mãn cho thành viên đó.
Đảm bảo tính công bằng và nhất quán về cách đánh giá kết quả của thử thách.
Đưa ra các bình luận tích cực, khen & công nhận thành viên tham gia hoàn thành thử thách và nhiệm vụ. Nhưng mà đã khen thì phải khen cụ thể và khen đúng nha.
Tạo ra những chiêm nghiệm ngắn/ lời động viên/cơ hội đo lường kết quả để giúp thành viên thấy họ đã hoàn thành những gì, đi được bao xa, phát triển thêm những khía cạnh nào…
Tạo cơ hội/gợi ý cho thành viên tiếp tục có cơ hội ứng dụng những bài học thu được trong thử thách vào thực tế.
Những bài học thu được từ thử thách/chuỗi event của CGL đều có thể ứng dụng được trong cộng đồng của bạn đúng không? Và mình đoán, nó làm bạn cảm thấy rất hữu ích và hài lòng với những điều mình nhận nhỉ?
Đây là một số quan sát và chiêm nghiệm của mình về ứng dụng mô hình ARCS (Tạo chú ý – Liên quan đến thành viên tham gia – Tạo sự tự tin – Tạo sự thỏa mãn, hài lòng) trong thiết kế thử thách cộng đồng.
Nguồn:
Motivational Design for Learning and Performance - John M. Keller
Bài này được viết bởi bạn Lê Uyên, học viên lớp Facebook Comty K1 của CGL.
Thông tin về bạn Lê Uyên:
Uyên hiện đang là một Learning designer
Xuất phát từ việc không thích cách mình được dạy học ở trường, Uyên chọn trở thành một người thiết kế chương trình đào tạo và trải nghiệm học. Mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ các chuyên gia/giảng viên xây dựng các khóa học/chương trình đào tạo và các sản phẩm học tập số thân thiện và hiệu quả với người học nhất. Từ đó, học viên của họ sẽ ngày càng yêu thích việc học và liên tục nâng cao được khả năng của mình trong một thế giới đầy biến đổi.Nếu bạn có những chia sẻ về cộng đồng, hãy gửi qua hộp thư comtylab.vn@gmail.com, CGL sẽ chọn lọc những bài viết phù hợp định hướng của bản tin để đăng tải và lan tỏa giá trị về kiến thức cộng đồng đến mọi người nhiều hơn.
Cám ơn bạn và hẹn gặp lại bạn trong những bản tin sau của CGL.
Em nghe rất nhiều về thử thách trong cộng đồng có rất nhiều lợi ích cho cả người tham gia và BQT. Tuy nhiên là trước giờ em chưa từng thực hiện thử thách nào nên kinh nghiệm gần như không có. Đọc xong bài viết em đã cảm thấy tự tin hơn và hình dung ra những bước để tạo thử thách rồi. Em rất mong ngày nào đó cũng có thể tạo ra nhiều thử thách hay và ý nghĩa như CGL đã và đang làm. Cảm ơn bài viết của chị Lê Uyên và cảm ơn CGL đã đăng tải ạ 💕