08 lý do hàng đầu bạn nên theo đuổi công việc cộng đồng
Công việc tiềm năng, đầy hứa hẹn trong tương lai khi "cộng đồng" luôn là từ khoá tại các báo cáo xu hướng liên quan truyền thông, tiếp thị, và kinh doanh.
Công việc liên quan cộng đồng là một nghề nghiệp lý tưởng giúp bạn phát triển về chuyên môn. Tùy vào ngách và nhu cầu của cộng đồng tại một thời điểm, có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau được mở ra. Tìm hiểu về lợi ích, vai trò của công việc cộng đồng có thể giúp bạn quyết định xem công việc này có tiềm năng và phù hợp với bạn hay không. Chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các nội dung sau:
Công việc cộng đồng là gì?
Các loại hình cộng đồng cơ bản?
Lý do bạn xem xét muốn theo đuổi con đường sự nghiệp này hay không?
Công việc cộng đồng
Có rất nhiều vị trí khác nhau trong một tổ chức cộng đồng, nếu phân chia theo chức năng công việc như: Marketing & Branding (truyền thông, tiếp thị và thương hiệu cộng đồng), Content Manager (chịu trách nhiệm về sáng tạo, thiết kế nội dung), bộ phận phụ trách về Engagement (các hoạt động tăng tính kết nối, tương tác giữa quản trị viên với thành viên, giữa thành viên với nhau, hay giữa nội bộ các thành viên trong ban quản trị), bộ phận kỹ thuật (các nền tảng, ứng dụng, không gian cộng đồng), bộ phận phụ trách kế hoạch kinh doanh, khách hàng, bộ phận quản lý cộng đồng tổng thể (liên quan đến thu hút và phát triển thành viên, chế độ, chính sách trong cộng đồng),...
Các loại hình cộng đồng cơ bản
Dù ngách cộng đồng của bạn về lĩnh vực sáng tạo, giáo dục, đào tạo, sức khoẻ, thực phẩm, kiến trúc…thì cộng đồng của bạn thuộc 1 trong 3 cộng đồng phổ biến sau:
1/ Cộng đồng sản phẩm - “Chiếc giỏ chở hàng trong siêu thị”
Là cộng đồng được tạo nên mà câu chuyện/thông điệp chính xoay quanh một sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Nó có thể là sản phẩm hữu hình, sản phẩm tri thức. Các thành viên tham gia bàn luận về tính năng sản phẩm, dịch vụ.
*Các chủ đề thường được bàn tán sôi nổi trong cộng đồng này là: cách thức sử dụng spdv, những lỗi thường gặp, vấn đề bảo hành, chương trình khuyến mãi.
*Mục tiêu của thành viên gia nhập cộng đồng này là để lắng nghe, trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với những người cùng gu.
Ví dụ:
Hội những người dùng máy lọc không khí
Hội dùng đồ gia dụng tiện ích
2/ Cộng đồng thực hành - “Trung tâm hướng nghiệp, đào tạo nghề”
Là các cộng đồng được sáng lập để bàn luận về câu chuyện tư duy, kỹ năng của một lĩnh vực nghề nghiệp. Nó rộng hơn phạm vi cộng đồng sản phẩm vì nó nhiều hơn một sản phẩm dịch vụ, hình dung đại khái là hệ sinh thái.
*Các chủ đề thường được quan tâm nhất trong cộng đồng là cách thức học hỏi, tiếp cận kỹ năng để phát triển trong công việc và cuộc sống
*Mục tiêu của thành viên gia nhập vào nhóm là vì họ mong muốn trở nên giỏi hơn trong lĩnh vực họ đang tìm hiểu. Họ muốn nhận được giá trị hữu ích từ cộng đồng để họ lớn lên tỷ lệ thuận với sự phát triển của cộng đồng. Sau đó, chính họ sẽ chủ động chia sẻ để hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên vào sau đó/chưa thành thạo kỹ năng/chưa có thành tựu nhất định như họ ở những giai đoạn đầu.
Ví dụ:
Những người viết hàng ngày (On Writing Daily - Viết đi đừng sợ!): dành cho những ai quan tâm đến viết lách
Những người làm freelancer (afreelancedoer.com): dành cho những người làm việc tự do
Community Growth Lab: dành cho những ai quan tâm về xây dựng cộng đồng liên quan đến kinh doanh, tiếp thị.
3/ Cộng đồng sở thích/vui chơi - “Trạm sạc năng lượng”
Là những cộng đồng được lập ra dựa trên các kết nối về sở thích, mối quan tâm chung về một vấn đề nào đó. Chẳng hạn, đam mê trong nấu ăn, du lịch, phim ảnh. Cộng đồng vô ưu, vô lo nhất trong các loại cộng đồng :))
*Các chủ đề thường được bàn tán nhiều nhất trong cộng đồng là những trao đổi, chia sẻ về cảm xúc, sự quan tâm, kinh nghiệm của các thành viên trong lĩnh vực đó.
*Mục tiêu thành viên: Họ gia nhập nhóm để tìm kiếm, kết nối những tâm hồn đồng điệu để có người nói chung thứ ngôn ngữ với họ.
Ví dụ:
CLB Đọc Sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần : những bạn đam mê đọc sách cụ Nguyễn Duy Cần
Hiểu Về Triết Lý Sống TRỊNH CÔNG SƠN dành cho những người yêu quý chất liệu của Trịnh
Check in Vietnam những tâm hồn đam mê du lịch
Mỗi loại cộng đồng sẽ được tồn tại và xây dựng dựa trên sự khác nhau ở người sáng lập, chiến lược vận hành, thực thi. Xác định được thể loại cộng đồng muốn xây dựng là bước quan trọng đầu tiên cần làm đối với những quản trị viên tương lai.
Với mô tả tổng quát về công việc cộng đồng cũng như định nghĩa về một số mô hình cộng đồng phổ biến, bạn phần nào đã hình dung được tiềm năng, sự thú vị của công việc này mang lại. Hãy bắt đầu xem những lý do hàng đầu khiến bạn muốn chinh phục con đường sự nghiệp cộng đồng
1. Công việc ý nghĩa
Một lý do phổ biến khiến mọi người bắt đầu làm việc trong lĩnh vực cộng đồng là tạo ra tác động tích cực đến chất lượng công việc và cuộc sống của mọi người. Bởi một trong những hệ giá trị của người làm công việc cộng đồng là sự cho đi. Chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ thành viên bằng chính chuyên môn, kiến thức, kỹ năng của mình là niềm hạnh phúc của những ai đang làm việc liên quan cộng đồng. Sự phát triển của mỗi một thành viên luôn tỷ lệ thuận và gắn liền với sự tăng trưởng của cộng đồng đó.
“Tôi làm việc tại Cộng đồng Thực hành và tôi thấy chúng rất bổ ích vì mọi người trong cộng đồng muốn phát triển, học hỏi. Tôi thích làm việc với thành viên, họ thực sự đam mê phát triển bộ kỹ năng của họ. Hiện tại cộng đồng của tôi có rất nhiều chuyên gia. Tôi có thể quan sát sự phát triển kỹ năng của thành viên, nhận công việc mới, đảm bảo thăng tiến, tăng thu nhập và cơ hội của họ. Điều đó làm thay đổi cuộc sống. Nó ảnh hưởng đến sinh kế của họ, thời gian họ có để dành cho gia đình của họ, những kinh nghiệm họ đang có có thể có. Tôi thích công việc cộng đồng vì tôi có thể đóng một vai trò nhỏ trong sự phát triển của tập thể đó”. Georgina Donahue - Director of Community at Pragmatic Institute
2. Lộ trình phát triển sự nghiệp rộng mở
Với vai trò, tính chất, cấu trúc trong tổ chức để vận hành và phát triển cộng đồng, nhu cầu về nhân sự là không nhỏ từ các vị trí thực tập sinh cho đến vị trí lãnh đạo cộng đồng. Bạn tha hồ thể hiện, khám phá các vai trò đa dạng trong cộng đồng.
Ngay cả khi bạn bắt đầu công việc admin trong cộng đồng bất kỳ, những cơ hội nghề nghiệp sẽ luôn xuất hiện thường xuyên. Với các vị trí đơn giản từ vạch xuất phát như thực tập, Admin, Commentator, bạn có thể theo đuổi dần các vị trí giám sát, quản lý cộng đồng khi kinh nghiệm, kỹ năng bạn được tích lũy nhiều hơn và nâng cao hơn về chất lượng. Bạn cũng có thể cân nhắc chủ động bày tỏ sự quan tâm về lộ trình thăng tiến với các vị trí khác với cấp trên trực tiếp của bạn về các bước bạn thực hiện để mở rộng sự nghiệp của mình.
3. Trang bị cho bản thân bộ kỹ năng hữu ích và vô cùng phong phú
Công việc cộng đồng mang tính chất giao tiếp, xây dựng mối quan hệ với rất nhiều người, vai trò chức vụ khác nhau trong cộng đồng. Chính điều này giúp bạn hoàn thiện các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, làm việc đội nhóm, quản lý thời gian, phân công công việc cũng như kể cả kỹ năng giải quyết vấn đề.
Bạn sẽ thường làm việc với nhiều nhóm người khác nhau, bạn cần luôn tìm hiểu nhu cầu của họ và thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt trong công việc của mình. Bằng cách làm việc với nhiều nhóm người khác nhau, bạn cũng có thể học được nhiều điều hơn về con người và thế giới cũng như phát triển trí tuệ cảm xúc của mình.
“Chính sách của các tổ chức và tập quán thường kết nối con người và hợp tác chéo các chức năng. Tôi đánh giá cao sự phát triển cam kết tập trung vào nuôi dưỡng các mối quan hệ và thúc đẩy đối thoại như có giá trị nội tại.” Jeremie Gluckman - Community Manager tại Amplitude
4. Bạn có thể phát triển sự nghiệp cá nhân
Những kỹ năng này bạn hoàn toàn áp dụng được cho những công việc, vị trí khác bên ngoài cộng đồng vì nó là những kỹ năng thiết yếu, vô cùng cần thiết trong thời đại việc làm ngày nay. Vì vậy, ngoài lộ trình thăng tiến bên trong tổ chức cộng đồng bạn đang làm việc, sau này bạn cũng có thể tự xây dựng cộng đồng theo ngách cá nhân lựa chọn với vai trò là chuyên gia cộng đồng.
"Nó mang lại cho tôi ý nghĩa hơn bất kỳ thứ gì khác. Mỗi cộng đồng mà tôi nuôi dưỡng đã giúp tôi phát triển và khiến tôi trở thành một người tốt hơn. Nó có thể tạo ra tác động tích cực, lâu dài. Ở nhiều nơi trên thế giới, có rất nhiều thứ liên quan đến sự phong phú , vì vậy chúng ta chỉ có thể phát triển bằng cách trở thành một phần của cộng đồng nơi chúng ta thực sự thuộc về — chúng ta quá đơn độc để tiếp tục theo chủ nghĩa cá nhân." — Oana Filip, Community Builder & Storyteller tại Pixelgrade
5. Linh động địa điểm và thời gian làm việc
Trong và sau đại dịch covid, hình thức làm việc trở nên linh động hơn rất nhiều. Các loại hình mới như Work from home, hybrid, tele work, remote work xuất hiện. Nó không phải là giải pháp tạm thời trong thời kỳ dịch bệnh mà theo các chuyên gia phân tích việc làm, đây sẽ trở thành xu hướng trong tương lai.
Vì những lẽ này, công việc liên quan đến cộng đồng sẽ vô cùng linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc. Tuỳ vào tổ chức cộng đồng bạn lựa chọn hợp tác làm việc, nếu đó là cộng đồng trực tuyến và không yêu cầu làm việc fulltime, thì đây là một lựa chọn công việc lý tưởng cho các bạn đang làm việc tự do.
6. Bạn có thể kết nối với các chuyên gia
Trong tập thể cộng đồng, có rất nhiều thành viên với chuyên môn khác nhau trong nhiều lĩnh vực, ngoài ngách cộng đồng. Đây là cơ hội giúp bạn mở rộng và tăng cường chất lượng vòng kết nối của mình, Thông qua quá trình giao tiếp và các công việc liên quan trong cộng đồng, bạn sẽ phát hiện được đâu là những chuyên gia trong cộng đồng, và đừng ngần ngại thiết lập những mối quan hệ chất lượng như thế này. Bạn còn có thể gợi mở, khuyến khích họ dành thời gian đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm vào cộng đồng để tăng uy tín và thương hiệu cộng đồng.
7. Xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân ngay trong cộng đồng
Khi bạn làm việc trong cộng đồng, bạn hoàn toàn phát triển được thương hiệu cá nhân trong cộng đồng thông qua việc xuất hiện nhất quán và đều đặn trong quá trình chia sẻ, đóng góp nội dung hữu ích cho các thành viên trong cộng đồng.
"Là người sáng tạo, tôi cảm thấy như khán giả luôn đòi hỏi điều gì đó ở tôi trong khi cộng đồng của tôi ủng hộ và trao quyền cho tôi. Tôi hét lên trên mạng và nhận được nhiều lượt thích. Tôi trò chuyện với cộng đồng của mình và có những cuộc thảo luận ý nghĩa." — Olle Pridiuksson, Co Founders tại The Communities Show
8. Nguồn thu nhập tiềm năng
Theo Indeed, mức lương trung bình của một Community Manager là 56,226$/năm, thấp nhất là 37,500$ và mức cao nhất tương đương 84,303$.
Theo Khảo sát nghề nghiệp năm 2020 từ Commsor, mức lương hàng năm dao động từ 26.000 USD đến hơn 176.000 USD cho các chuyên gia cộng đồng Bắc Mỹ (bao gồm Hoa Kỳ và Canada)
Theo Glassdoor (số liệu cập nhật 15/02/2022), Tổng mức lương ước tính cho Người quản lý cộng đồng là $65,679 mỗi năm ở khu vực Hoa Kỳ, với mức lương trung bình là $51,148 mỗi năm.
Nguồn ảnh: Glassdoor.com
Như mọi ngành nghề khác, những công việc liên quan cộng đồng cũng tương tự. Tuỳ vào quy mô và chính sách của mỗi công ty, tổ chức mà mức lương từng vị trí sẽ dao động khác nhau. Tuy nhiên, dựa trên các số liệu tham khảo cũng như lợi ích mà công việc cộng đồng mang lại thì đây hẳn là công việc tiềm năng, nhiều ý nghĩa cho cá nhân lẫn xã hội.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về công việc Community Manager tại bài viết này. Nếu quan tâm đến nghề nghiệp cộng đồng, mời bạn theo dõi chuyên mục Mentorship để đón đọc những thông tin thú vị về nghề nghiệp này. Những vị trí khác nhau trong tổ chức cộng đồng cũng sẽ được CGL cập nhật dần trong thời gian tới.
Nguồn tham khảo: Các nhận định, ý kiến của chuyên gia được tham khảo từ Hướng dẫn nghề nghiệp cộng đồng 2022 của Commsor.