Không phải ai có kỹ năng giao tiếp tốt, chuyên môn vững hay mối quan hệ rộng cũng có thể giữ lửa cho một cộng đồng dài hạn. Vậy điều gì thực sự khiến một người phù hợp với vai trò kiến tạo không gian kết nối và phát triển tập thể?
Chúng ta hãy nhìn từ hai chiều: tâm lý học cá nhân và khoa học hành vi.
1. XÂY CỘNG ĐỒNG KHÔNG CHỈ DÀNH CHO NGƯỜI HƯỚNG NGOẠI
Một trong những hiểu lầm phổ biến: người hướng ngoại sẽ làm cộng đồng giỏi hơn.
Thực tế, mức độ hướng ngoại chỉ ảnh hưởng đến cách bạn thể hiện, không quyết định khả năng tạo ra sự gắn kết.
Câu hỏi gốc rễ nên là:
Bạn có sẵn sàng giữ một không gian để người khác phát triển không?
Carl Rogers – nhà tâm lý học người Mỹ, một trong những người sáng lập ra tâm lý học nhân văn và được biết đến đặc biệt với liệu pháp tâm lý lấy con người làm trung tâm, để một môi trường có thể nuôi dưỡng sự trưởng thành, cần ba điều kiện cốt lõi:
Tính chân thực
Tôn trọng con người trước hành vi
Đồng cảm sâu sắc
Ba năng lực này không phụ thuộc vào tính cách hướng nội hay hướng ngoại. Chúng là những phẩm chất có thể rèn luyện và đóng vai trò nền tảng cho bất kỳ ai giữ vai trò người dẫn dắt cộng đồng.
Cùng CGL đi sâu vào từng yếu tố:
Yếu tố 1: Tính chân thực
Là khả năng hiện diện với người khác bằng con người nguyên bản của mình. Không tô vẽ cũng không gồng lên để trở thành “phiên bản lý tưởng” nào cả.
Người làm cộng đồng có tính chân thực sẽ dám thừa nhận giới hạn:
“Mình không biết hết, nhưng mình ở đây để học cùng bạn.”
“Tháng trước mình triển khai thử nhưng phản hồi chưa tốt. Mình đã điều chỉnh lại thế này…”
Sự thật lòng không chỉ khiến cộng đồng cảm thấy an toàn, mà còn truyền cảm hứng sâu sắc vì người dẫn dắt dám sống thật và học thật. Thú vị là, tính chân thực này lại giúp họ phát triển nhiều hơn vì biết vun bồi những kiến thức bản thân chưa biết.
Yếu tố 2: Tôn trọng con người trước hành vi
Đây là khả năng tiếp nhận con người như họ đang là, không gắn nhãn hay phán xét. Nhiều cộng đồng thất bại vì vô tình tạo ra cảm giác “phải đúng chuẩn” mới được công nhận. Khi đó, những người lặng lẽ, còn mông lung hay chưa vững vàng sẽ tự động rời đi.
Người dẫn dắt biết tôn trọng con người trước hành vi sẽ:
• Không đánh giá vội một thành viên mới chưa hiểu luật chơi
(Không phải tự nhiên mà các thành viên ở CGL đều rất thân thiết với ban quản trị, đặc biệt sau mỗi thử thách. Vì họ được hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình từ những điều cơ bản nhất)
• Không quy chụp một người ít tương tác là thiếu cam kết
• Nhìn thấy con người đằng sau hành vi, thay vì chỉ phản ứng trên bề mặt
Lưu ý đặc biệt: Điều này không đồng nghĩa với thỏa hiệp.
Đó là cách tạo điều kiện để mỗi người được là chính mình trước khi được kỳ vọng tiến xa hơn. Với người làm cộng đồng, điều này không đồng nghĩa với việc “ai làm gì cũng được”, mà là khả năng tách con người ra khỏi hành vi, để nhìn thấy giá trị của họ dù đang trong quá trình học hỏi, điều chỉnh hay vấp ngã.
Bạn có thể thiết lập những quy tắc rõ ràng cho cộng đồng về cách tương tác, những điều được và không được làm. Nhưng cách bạn thực thi các quy tắc ấy với sự lắng nghe, hướng dẫn thay vì phán xét, chính là điều tạo nên không gian an toàn.
Tôn trọng con người không có nghĩa là bỏ qua ranh giới cộng đồng.
Yếu tố 3: Đồng cảm sâu sắc
Là khả năng bước vào thế giới nội tâm của người khác, nhìn sự việc từ góc nhìn của họ mà vẫn giữ được sự tỉnh táo trong phản hồi.
Trong bối cảnh cộng đồng, đồng cảm không chỉ giúp bạn lắng nghe, nó còn giúp bạn nhận ra những nhu cầu chưa được nói thành lời. Tất cả được thể hiện qua cách bạn phản hồi tinh tế, tạo không gian cho sự vụng về đầu tiên, và khơi gợi được những tiếng nói tưởng như im lặng.
2. ĐỘNG CƠ NỘI TẠI: NGUỒN NHIÊN LIỆU BỀN VỮNG CHO NGƯỜI GIỮ LỬA
Theo lý thuyết Self-Determination Theory (SDT) của Ryan & Deci – một nền tảng lớn trong tâm lý học động lực, hành vi bền vững đến từ việc ba nhu cầu tâm lý cốt lõi được đáp ứng:
Autonomy – cảm giác được làm chủ
Competence – cảm giác có năng lực
Relatedness – cảm giác được kết nối, thuộc về
Người phù hợp làm cộng đồng thường không bắt đầu vì những phần thưởng bên ngoài.
Điều giữ họ lại chính là cảm giác:
• Mình được tự do kiến tạo không gian riêng theo triết lý sống của bản thân
• Mình có khả năng kết nối những điểm rời rạc thành một hệ thống có ý nghĩa
• Mình thuộc về điều gì đó lớn hơn bản thân, và giúp người khác cũng tìm thấy điều tương tự
Làm cộng đồng, về bản chất, là một hành vi của niềm tin và kiên trì. Nó đòi hỏi năng lượng không đến từ “lượt tương tác”, mà đến từ cảm giác đang góp phần tạo ra giá trị thực cho một nhóm người cụ thể.
3. KHOA HỌC HÀNH VI: NHỮNG BIẾN SỐ DỰ BÁO KHẢ NĂNG GIỮ LỬA CỘNG ĐỒNG
Dưới góc nhìn khoa học hành vi, người làm cộng đồng hiệu quả thường có những phẩm chất giúp họ thích nghi với sự phức tạp, không chắc chắn và đa chiều trong hành vi con người.
3.1 Tư duy hệ thống
Người làm cộng đồng có tư duy hệ thống không chỉ nhìn từng thành viên như những cá thể riêng lẻ. Họ còn nhìn ra được mối liên kết giữa họ, cấu trúc ngầm vận hành phía sau và những vòng lặp ảnh hưởng qua lại trong tập thể. Họ quan sát được ai đang giữ vai trò kết nối, ai đang âm thầm đóng góp nhưng dễ bị lãng quên, ai đang dần trượt ra khỏi dòng chảy chung.
Họ cũng để ý đến chuyển động của luồng giá trị: Nội dung nào đang tạo động lực cho nhóm? Câu chuyện nào đang lấn át những giọng nói quan trọng khác? Trục thảo luận có đang bám theo giá trị cốt lõi của cộng đồng, hay đã lệch sang "tương tác dễ dãi"?
Quan trọng hơn cả, người có tư duy hệ thống không chỉ dập lửa khi có vấn đề, họ sẽ biết đặt câu hỏi gốc rễ: cấu trúc nào khiến vấn đề đó xảy ra? Họ thiết kế lại từ gốc, từ cách tổ chức vai trò, phân nhánh nhóm, đến nhịp sinh hoạt …
Điều này mình sẽ phân tích và hướng dẫn chi tiết trong chuỗi webinar tháng 7 này của CGL.
Trong một thế giới ngày càng phức tạp, kỹ năng này không chỉ là lợi thế mà là điều kiện sống còn để cộng đồng duy trì sự bền vững mà không đánh mất bản sắc.
3.2. Khả năng chấp nhận sự không chắc chắn
Không có kịch bản cố định cho một cộng đồng vì mỗi cộng đồng luôn có một bộ biến số đi kèm. Bạn sẽ gặp lúc mọi người im lặng, phản hồi trái chiều, hoặc phát triển theo hướng ngoài dự đoán. Người phù hợp không dễ hoảng khi mọi thứ không đi đúng kỳ vọng. Họ biết: điều chỉnh mục tiêu, đọc lại bối cảnh (rà soát insight) và tiếp tục thử nghiệm.
Đó là lý do mình hay nhắc đi nhắc lại triết lý Kaizen khi làm cộng đồng. Những cải tiến nhỏ mỗi ngày nếu bạn thật sự để tâm vào cộng đồng của bạn đang xây.
3.3 Tự điều tiết cảm xúc
Không phải ngày nào cũng tràn đầy năng lượng. Có những lúc chỉ một bình luận tiêu cực cũng có thể khiến bạn nghi ngờ giá trị mình đang làm.
Người xây cộng đồng bền vững biết cách:
• Không cá nhân hóa phản hồi
• Tách cảm xúc khỏi hành động
• Dưỡng năng lượng bằng nội lực chứ không chờ đợi sự ghi nhận bên ngoài
Không phải ai làm cộng đồng cũng cần trở thành một "chuyên gia cộng đồng". Với nhiều người, cộng đồng không phải là nghề mà là phương tiện. Phương tiện để họ lan tỏa tri thức, mở rộng ảnh hưởng, kiến tạo sân chơi cho người cùng chí hướng, hoặc đơn giản là tạo ra không gian để bản thân không đơn độc trên hành trình mình đang đi.
Bạn có thể là nhà sáng tạo nội dung, một người làm sản phẩm số, một cố vấn chuyên môn, hoặc chỉ đơn thuần là người muốn kết nối những người giống mình lại với nhau. Nhưng nếu bạn nhìn thấy ý nghĩa trong việc kiến tạo một không gian mà ở đó người khác được phát triển thì cộng đồng có thể trở thành phần mở rộng tự nhiên trong hành trình của bạn.
Bạn không cần là người đứng trên sân khấu, cũng không cần kiểm soát mọi thứ. Nhưng nếu bạn có xu hướng đứng ở giữa những dòng chảy, giữ nhịp cho cuộc trò chuyện, giúp người khác tỏa sáng mà không cần spotlight. Đó là biểu hiện rõ nét của một người kiến tạo cộng đồng.
Khi mục tiêu cá nhân không chỉ phục vụ cho chính bạn, mà còn được chia sẻ, nhân rộng và cộng hưởng cùng người khác thì cộng đồng không còn là lựa chọn mang tính chiến lược, mà trở thành một biểu hiện tất yếu của bản chất bạn đang sống.
4. BÀI TEST NHANH: BẠN CÓ PHÙ HỢP VỚI VAI TRÒ NÀY?
Trong lúc chờ đợi CGL thiết kế và hoàn thiện bài test về “Bạn ở đâu trên hành trình phát triển chuyên môn cộng đồng?”, bạn có thể trải nghiệm bài test nhanh này. Bằng cách trả lời mỗi câu từ 1 (không giống tôi) đến 5 (rất giống tôi):
• Tôi thường là người kết nối các thành viên rời rạc lại với nhau
• Tôi thấy hài lòng khi người khác thành công nhờ không gian mình tạo ra
• Tôi kiên trì duy trì sinh hoạt ngay cả khi không được ghi nhận
• Tôi nhìn thấy tiềm năng ở người khác, kể cả khi họ chưa tự tin về bản thân
• Tôi có khả năng giữ cam kết lâu dài với nhóm dù không có phần thưởng rõ ràng
Tổng điểm:
• 20 đến 25: Bạn có thiên hướng tự nhiên và phẩm chất dẫn dắt cộng đồng
• 15 đến 19: Bạn có nền móng tốt, có thể phát triển sâu nếu có môi trường hỗ trợ
• Dưới 15: Có lẽ bạn sẽ phát huy tốt hơn trong vai trò là thành viên chủ động hoặc hỗ trợ
Thành thật mà nói, làm cộng đồng không phải là cuộc chơi của sự nổi bật.
Đó là hành trình kiến tạo một không gian đủ an toàn để người khác dám lên tiếng, dám thử sức, và dám phát triển.
Bạn không cần danh xưng “community builder” để bắt đầu.
Bạn chỉ cần một nhóm người và một ý tưởng đủ bền để thắp lửa từ chính những kết nối thật lòng.
Điểm tin tuần này:
1/ Chuỗi webinar “Xây dựng cộng đồng trên Zalo”, hôm nay là ngày cuối hết hạng vé early bird.
2/ Chính thức mở Cộng đồng Bloom Once More dành cho phụ nữ sau 30 tuổi ~ những người vừa khao khát phát triển bản thân, vừa mong có một chốn êm đềm để nghỉ chân.